Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ ba, 28/6/2022, 15:17 (GMT+7)

Giao thông lộn xộn trên tuyến buýt nhanh BRT

Hà NộiĐược ưu tiên làn đường riêng, nhưng buýt nhanh BRT luôn bị các phương tiện khác lấn làn, chạy gần 15 km hết 60 phút, gấp rưỡi thời gian tiêu chuẩn.

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội khởi công năm 2013, đầu năm 2017 vận hành, lộ trình 14,77 km qua Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.

Tuyến buýt có làn đường ưu tiên riêng, sát với dải phân cách giữa, xe sơn màu xanh lá. Mục tiêu vận hành tuyến BRT là thu hút người dân đi xe buýt, từ đó giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện tăng cao, xe máy, xe đạp và cả người đi bộ lấn làn BRT, tài xế phải liên tục bấm còi xin đường. Thông thường mỗi xe BRT chạy từ đầu tới cuối bến mất khoảng 40-45 phút, nhưng giờ cao điểm xe chạy tới 60 phút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Đầu giờ sáng, người dân dừng đỗ ở làn ưu tiên trước nhà chờ đường Tố Hữu, bên cạnh và phía sau là dòng người chờ được lưu thông.

Không vào giờ cao điểm, xe cá nhân và xe buýt vẫn đi vào làn đường ưu tiên của buýt nhanh BRT.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 có 20 xe, thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bình quân giờ cao điểm vận chuyển 70 khách/lượt. Tổng số hành khách vận chuyển năm 2018 là 5,3 triệu lượt; năm 2019 là 5,5 triệu lượt; năm 2020 là 5,35 triệu lượt (giảm 2,6% so với năm trước do dịch bệnh).

Trừ giờ cao điểm, thời gian còn lại trong ngày các nhà chờ khách thưa thớt. Hiện 10/12 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường, từ vỉa hè qua cầu đi bộ đến nhà chờ còn xa, chưa thuận tiện cho người cao tuổi, người khuyết tật. Khu vực nhà chờ chưa bố trí nhà vệ sinh và điểm gửi xe cá nhân.

Buýt BRT đang duy trì vé giấy và tem dán vé tháng, chưa có vé điện tử, đèn tín hiệu ưu tiên khi xe BRT qua nút giao... khiến tốc độ buýt nhanh chỉ 20-22 km/h, không chênh lệch nhiều so với buýt thường.

16h ngày 27/6, tại nhà chờ bến xe Yên Nghĩa, nhiều xe buýt BRT đỗ tại vị trí cửa đón khách nhưng hầu như không có khách.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7/2021, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn, dự án buýt nhanh BRT chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn ắc và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố.

Cung đường tuyến đường xe BRT hoạt động. Đồ họa: Tiến Thành

Ngày 23/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho buýt nhanh BRT.

Lý do tuyến buýt nhanh BRT là trục xuyên tâm, nhưng hiệu quả hoạt động giảm, trong khi lưu lượng phương tiện cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây tình trạng ùn ứ. Việc cho các loại xe khác đi vào làn BRT nhằm giảm thiểu ùn tắc, tăng hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông.

Giao thông lộn xộn trên tuyến buýt nhanh BRT
 
 

Xe buýt nhanh BRT bị các xe khác lấn làn. Video: Ngọc Thành

Ngọc Thành