Giáo sư từ 19 trong số 40 trường y đã ký một tuyên bố chung, cho biết sẽ "nộp đơn từ chức từ hôm nay". Các trường y bao gồm Bệnh viện Đại học Soonchunhyang Cheonan, Đại học Quốc gia Chungnam. Trong khi đó, giáo sư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Y khoa Đại học Quốc gia Seoul (trường y lớn nhất Hàn Quốc) cũng sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối ngày để thảo luận xem có tiếp tục giữ chức vụ hay không.
Kim Chang-soo, Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc, cho biết các giáo sư sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô điều trị ngoại trú, tập trung vào ca cấp cứu và bệnh nặng, trong khi một số khác nộp đơn từ chức. Họ yêu cầu chính phủ ngừng gây áp lực lên các bác sĩ nội trú và thực tập sinh. Họ cũng chỉ trích giới chức vì đã tạo ra cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe, cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh không dựa trên bằng chứng khoa học, các số liệu thống kê cũng bị bóp méo.
Trước đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi Thủ tướng Han Duck-soo tham khảo ý kiến của các đảng chính trị, thành lập "cơ quan tư vấn mang tính xây dựng" để thúc đẩy đối thoại với các nhân viên y tế, có biện pháp "linh hoạt" khi đình chỉ giấy phép của bác sĩ đình công. Tuy nhiên, các giáo sư cho biết sẽ chỉ đàm phán nếu chính phủ hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.
Theo ông Kim, việc này sẽ "hủy hoại nền giáo dục và khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sụp đổ".
"Trừ khi chính phủ hủy bỏ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh, cuộc khủng hoảng đang diễn ra sẽ không có hồi kết. Nếu chính phủ rút lại kế hoạch, chúng tôi sẵn sàng thảo luận các vấn đề còn tồn tại trước mặt người dân", Hiệp hội nêu rõ trong tuyên bố chung.
Yêu cầu của Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc có thể làm phức tạp thêm nỗ lực đối thoại của chính phủ. Tuy nhiên, giới chức vẫn cam kết tổ chức các cuộc đối thoại với cộng đồng y khoa càng sớm càng tốt.
Các nhà quan sát cho rằng việc từ chức của các giáo sư y khoa thiếu căn cứ xác đáng, cho rằng họ đang lợi dụng sức lực của các bác sĩ thực tập và giáo sư y khoa còn làm việc.
"Nếu các giáo sư rời đi, Hàn Quốc sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Đây là tình huống rất đáng lo ngại, trừ khi họ rút lại quyết định của mình". Lee Ju-yul, giáo sư tại Khoa Quản lý Y tế tại Đại học Namseoul, cho biết. Các giáo sư y khoa không chỉ đảm nhiệm giảng dạy mà còn là bác sĩ cấp cao, đóng vai trò chủ chốt trong khám và điều trị bệnh nhân nặng.
Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng. Các cơ quan nghiên cứu dự đoán nước này sẽ thiếu ít nhất 10.000 bác sĩ vào năm 2035. Đây là lý do khiến chính phủ quyết định tăng chỉ tiêu sinh viên trường y.
Hơn 9.000 bác sĩ thực tập và nội trú đã đình công để phản đối, từ ngày 20/2 đến nay, cho rằng điều này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến chi phí khám chữa bệnh cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, giới chức nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Thục Linh (Theo Korea Herald, Yonhap)