Bệnh nhân đến khoa Nam học - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội được điều trị bởi chính người sáng lập ngành Nam học Việt Nam, cũng là vị bác sĩ chữa vô sinh nam hàng đầu Việt Nam hiện nay - Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Quán Anh.
Người đặt nền móng cho ngành Nam học Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, ngành Nam học Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, khi điều trị thành công cho hàng triệu nam giới không may mắc bệnh các bệnh nam khoa và vô sinh, giúp họ có đủ sức khoẻ để sống chất lượng, hạnh phúc. Ít ai biết được rằng, các thành tựu to lớn của ngành Nam học nước nhà đã được đặt viên gạch đầu tiên từ những năm 60 với một chàng sinh viên Đại học Y Hà Nội - Trần Quán Anh.
Năm 1961, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Trần Quán Anh được giữ lại công tác tại Đại học Hà Nội. Từ sự trắc ẩn với người bạn thân bị yếu sinh lý lập gia đình đã lâu nhưng không có con, ông đăng ký làm việc tại khoa Phẫu thuật Tiết niệu với niềm mong mỏi chữa được bệnh cho bạn.
Ngày ấy, nguồn tài liệu quá ít ỏi, thuốc men cũng còn khó khăn, bác sĩ trẻ Trần Quán Anh phải dò dẫm từng bước trong việc tìm phác đồ chữa trị cho bạn. Trải qua một quá trình dài say mê nghiên cứu, cuối cùng, ông và các đồng nghiệp đã giúp vợ chồng người bạn ấy thỏa ước mơ làm cha mẹ.
Đây chính là ca điều trị vô sinh nam thành công đầu tiên của nền y học hiện đại Việt Nam, được Bộ Y tế quan tâm và đánh giá cao, đó cũng là cơ sở để Bộ Y tế gợi mở ý tưởng thành lập chuyên ngành Nam học ở Việt Nam.
Đến năm 1990, Việt Nam mới chính thức thành lập Trung tâm Nam học đầu tiên, đặt tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và người dẫn dắt Trung tâm không ai khác chính là Giáo sư Trần Quán Anh.
"Ông đỡ" của hàng nghìn trẻ em
Từ ca điều trị vô sinh nam đầu tiên thành công, chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc sau bao nhọc nhằn tìm con của hai vợ chồng người bạn, bác sĩ Trần Quán Anh quyết định lựa chọn con đường tương lai của mình là đồng hành với những gia đình mong con, bệnh nhân vô sinh nam.
Càng đi sâu vào việc nghiên cứu và chữa trị, ông càng nhận thấy rằng sứ mệnh của ngành Nam học là rất lớn, không chỉ mang lại tiếng cười trẻ thơ cho các gia đình mà còn giải tỏa tâm lý đè nặng lên người chồng, người vợ; xóa đi những định kiến xã hội về vấn đề vô sinh hiếm muộn vốn chỉ đặt gánh nặng lên vai phụ nữ.
Ông trăn trở: "Khoa học đã khẳng định vô sinh hiếm muộn có nguyên nhân 50% do người chồng và 50% do người vợ nhưng không ít gia đình khi chậm có con là đổ tất cả tội lỗi lên đầu người phụ nữ". Vị Giáo sư kể lại ông từng tiếp bệnh nhân sau khi ly dị 2 đời vợ, đến lần thứ 3 mới vỡ lẽ nguyên nhân không có con là do mình. Cũng có nhiều trường hợp người vợ xin chồng trước khi ly dị đến khám chỉ với mong ước được minh oan mình không phải là... gái độc không con.
Chính vì vậy, ngay từ những bài giảng đầu tiên về ngành Nam học, Giáo sư Trần Quán Anh bao giờ cũng chú trọng đến phương pháp giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân. Theo quan niệm của ông, khi bệnh nhân chấp nhận thực tế là mình có trục trặc về cấu tạo, chức năng sinh lý đàn ông, và tin tưởng rằng những trục trặc đó sẽ được chữa khỏi thì quá trình điều trị đã đạt được 30% thành công.
Được biết đến là vị bác sĩ giàu kinh nghiệm, điều trị "mát tay" lại rất tâm lý, bệnh nhân khắp cả nước, nhất là những ca khó đều tìm đến Giáo sư Trần Quán Anh. Để rồi đến nay, hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đã được thỏa ước mơ làm cha mẹ. Họ xem ông như "ông đỡ" của con mình.
Vị cứu tinh của cánh mày râu
Ngoài việc không ngừng tìm tòi, cập nhật những phương pháp mới nhất nhằm điều trị hiệu quả vô sinh nam, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho các "quý ông" không may bị vô sinh, Giáo sư Trần Quán Anh còn quan tâm đến chất lượng sống của cánh mày râu.
Ông luôn thông cảm và thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của những người chồng rất thương yêu vợ mà không thể hiện được "bản lĩnh", người thân hình vạm vỡ mà "cậu bé" mãi chẳng chịu lớn, người "chưa đến chợ đã hết tiền" hoặc rối loạn cương. Vị Giáo sư cũng đồng cảm với các cụ ông hàng đêm phải dậy đi tiểu cả chục lần do tuổi mãn dục nam bị phì đại tuyến tiền liệt, những cậu bé mang tâm lý mặc cảm vì sinh ra đã mang dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục, phải chịu đựng khó khăn trong hoạt động cơ bản nhất như tiểu tiện hàng ngày...
Mỗi bệnh nhân đến gặp Giáo sư Trần Quán Anh ban đầu đều rất ngại ngùng, nhưng chỉ qua vài câu hỏi thăm là mỗi người dường như đã có thể trải lòng. Tìm đúng nguyên nhân, chữa trị bằng các loại thuốc tốt, phẫu thuật kịp thời... Giáo sư Quán Anh đã trở thành "cứu tinh" cho cánh mày râu bao phen. Vì thế, dù điều trị nam khoa thường mất nhiều thời gian, có khi kéo dài cả năm, thậm chí ngay cả khi phải phẫu thuật thì tâm lý bệnh nhân vẫn cảm thấy nhẹ nhàng.
Từ tâm lý mặc cảm, chán chường, thậm chí chẳng thiết sống cho đến khi thấy "cuộc đời phơi phới" là những cung bậc cảm xúc của rất nhiều những người từng bị bệnh nam khoa, tiết niệu được Giáo sư Trần Quán Anh chữa khỏi. Biết bao người đã nói với Giáo sư một câu giống nhau: "Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi một cuộc đời mới".
Giáo sư Trần Quán Anh tâm sự: "Tôi đã dành rất nhiều công sức, tâm huyết cho ngành Nam học, để có thể tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn và phù hợp nhất với nam giới. Từ đó giúp phái mạnh giải quyết những căn bệnh khó nói, đảm bảo chất lượng cuộc sống một cách bền vững".
Người thầy giáo, thầy thuốc tâm huyết với nền y học Việt Nam
Bên cạnh thời gian trực tiếp khám, chữa bệnh, hàng tuần Giáo sư Trần Quán Anh vẫn đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc cho nền y học nước nhà. Ông còn thường xuyên trực tiếp chỉ đạo các học trò hội chẩn những ca khó và chỉ đạo mổ. Bởi theo Giáo sư, kinh nghiệm là một vốn quý mà đích thân ông muốn tiếp tục truyền dạy cho học trò, cho đội ngũ bác sĩ kế cận tại Khoa Nam học - Tiết niệu thuộc Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Hà Nội.
Khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Hà Nội được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại bậc nhất, liên kết chặt chẽ với các khoa Phụ sản, Nhi, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản IVFTA... ngay trong cùng một bệnh viện. Đây là điều kiện tối ưu cho bệnh nhân có cơ hội điều trị toàn diện, nhằm đạt được thành công cao nhất, sớm trả lại cuộc sống chất lượng cho hàng nghìn nam giới, mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn mong con.
Đây cũng chính là tâm huyết, niềm mong mỏi lớn nhất của Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Quán Anh sau hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành Nam học nước nhà.
Hồng Nhung - Bảo Ngọc