Rối loạn cương dương (bất lực, liệt dương) là mối bận tâm của nam giới. Tâm lý lo lắng, ngại ngùng về căn bệnh này càng làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như tình trạng rối loạn kéo dài hơn. Hầu như nam giới bị loạn cương dương đều có thể được điều trị hiệu quả.
Tiến sĩ, bác sĩ Từ Thành Trí Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM dẫn một thống kê tại Mỹ, có tới 20 triệu nam giới gặp tình trạng rối loạn cương. Tỷ lệ rối loạn cương dương hoàn toàn hoặc một phần hơn 50% ở nam giới 40-70 tuổi. Khoảng 100 triệu đàn ông châu Á bị rối loạn cương theo nhiều mức độ khác nhau và đây là bệnh nam khoa thường gặp nhất ở nam giới.
Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương là trạng thái dương vật cương không đủ cứng hoặc không đủ khả năng duy trì sự cương cứng để tiến hành hoạt động tình dục trọn vẹn. Có hai loại rối loạn cương dương:
- Rối loạn cương dương nguyên phát: là bệnh nhân chưa từng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng dương vật.
- Rối loạn cương dương thứ phát: là dương vật bệnh nhân cương cứng bình thường, nhưng một thời điểm nào đó lại không đạt được độ cứng mong muốn.
Biểu hiện của bệnh
- Có ham muốn tình dục, nhưng dương vật cương không đủ cứng để giao hợp.
- Cương không đúng lúc: lúc không giao hợp thì cương nhưng khi giao hợp thì không.
- Dương vật cương cứng không đủ lâu, giao hợp không trọn vẹn.
Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết các rối loạn cương dương đều liên quan đến rối loạn mạch máu, thần kinh, tâm lý và hoóc môn. Sử dụng thuốc cũng là một nguyên nhân. Rối loạn cương dương nguyên phát tỷ lệ thấp, có nguyên nhân do sự bất thường hoặc bẩm sinh của cơ thể.
Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng gây ra rối loạn cương dương nên thường được xem xét trong trong mọi trường hợp của rối loạn cương dương. Người bệnh có thể bị trầm cảm hoặc âu lo, căng thẳng trong đời sống cá nhân, cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi không muốn quan hệ tình dục... Những yếu tố tâm lý này hoàn toàn có thể được giải quyết bởi bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý, giải toả tinh thần cho người bệnh.
70% trường hợp rối loạn cương dương đến từ những nguyên nhân tổn thương thực thể sau:
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến mạch máu và hạn chế dòng máu đến dương vật như tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao hoặc tăng cholesterol trong máu... Phổ biến là bệnh lý xơ vữa động mạch hang dương vật, nguyên nhân do hút thuốc và tiểu đường. Xơ vữa động mạch, đi kèm với thoái hóa tự nhiên làm giảm khả năng giãn của động mạch và giãn của cơ trơn thành mạch, giảm lượng máu đi vào dương vật. Sử dụng ma tuý, rượu và bệnh hồng cầu hình liềm có thể gây xơ hóa dương vật, làm giảm lưu lượng máu cần thiết đến dương vật để cương cứng.
- Các nguyên nhân làm giảm sự dẫn truyền thần kinh từ hệ thần kinh trung ương đến dương vật như bệnh xơ cứng rải rác, Parkinson, bệnh lý ở tủy sống, các bệnh thần kinh ngoại biên, tự chủ.
- Rối loạn nội tiết: giảm testosterone trong máu (mãn dục nam), tăng prolactin do tuyến yên tiết ra, suy tuyến giáp...
- Các biến chứng của phẫu thuật vùng chậu như điều trị ung thư, cắt tuyến tiền liệt, cắt bỏ bàng quang triệt để; phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo; phẫu thuật ung thư trực tràng...
- Chấn thương: sọ não, tủy sống, xương chậu...
- Một số thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần...
- Bệnh trầm cảm
- Áp lực tác động lên vùng chậu kéo dài (ví dụ đạp xe quá nhiều)
Chẩn đoán rối loạn cương dương
Đánh giá lâm sàng:
Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử dùng thuốc; sử dụng rượu, thuốc lá , ma túy; các chấn thương và phẫu thuật vùng chậu; đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch; các triệu chứng rối loạn mạch máu, hormone, thần kinh và tâm thần; sàng lọc trầm cảm.
Thăm khám bộ phận sinh dục và các dấu hiệu của rối loạn nội tiết, thần kinh, và mạch máu. Nếu có các dị thường hoặc dấu hiệu suy sinh dục, các mảng xơ thể hang...
Xét nghiệm
Đo nồng độ testosterone và xem xét các xét nghiệm khác dựa trên các triệu chứng lâm sàng bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, cường prolactin, bệnh tuyến giáp...
Ngoài ra cũng bác sĩ có thể đánh giá hệ mạch máu của dương vật bằng siêu âm duplex sau khi tiêm nội hang hỗn hợp thuốc giãn mạch. Một số trường hợp được xem xét phẫu thuật phục hồi mạch máu dương vật sau chấn thương vùng chậu, chụp động mạch chậu, chụp vật hang (giúp xác định vị trí rò rỉ tĩnh mạch) và có thể đo thể hang ký (giúp xác định mức độ rò rỉ tĩnh mạch).
Điều trị rối loạn cương dương
- Điều trị các nguyên nhân cơ bản và các bệnh lý nền nếu có như tiểu đường, u tuyến yên, mãn dục nam, xơ hoá thể hang... Các loại thuốc có liên quan tạm thời đến sự khởi phát của rối loạn cương dương cần được ngưng hoặc thay thế
- Theo bác sĩ Từ Thành Trí Dũng, phương pháp không xâm lấn như vòng đai co thắt (cho người không duy trì được cương cứng đủ lâu) hoặc thiết bị cương cứng hút chân không (một thiết bị hút chân không kéo máu vào dương vật qua hoạt động hút, sau đó một vòng đàn hồi được đặt tại gốc của dương vật để duy trì sự cương cứng). Nhược điểm của phương pháp này là dương vật bị bầm tím, lạnh đầu dương vật, thiếu tự nhiên. Nếu cần có thể kết hợp các dụng cụ này với thuốc.
- Điều trị bằng thuốc điều khiển sự giãn cơ trơn. Trong các thử nghiệm lâm sàng so sánh, các thuốc này cho thấy hiệu quả 60- 75%.
- Tiêm nội hang hoặc đặt niệu đạo: tự sử dụng bằng tiêm vào thể hang dương vật hoặc đặt niệu đạo, có thể cương cứng với thời gian trung bình là 30 phút đến 1 tiếng.
- Nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật thay vật hang nhân tạo.
Điều trị bằng thuốc uống như thế nào?
Theo bác sĩ Từ Thành Trí Dũng, gần đây, một số loại thuốc giúp điều trị rối loạn cương trở nên đơn giản, không xâm hại, hiệu quả cao (75 - 80%) và ít tác dụng phụ là nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterases 5 (PDE-5) - loại men điều kiện khả năng xìu xuống của dương vật.
Tác dụng và hiệu quả của thuốc
Các loại thuốc này làm tăng lượng máu vào dương vật, giúp bệnh nhân có thể cương cứng. Thuốc bắt đầu có tác dụng và tạo độ cương cần thiết sau khi uống chỉ từ 10 - 30 phút.
Tuy nhiên một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ như:
Chóng mặt, nhức đầu, đỏ mặt, sổ mũi, hạ huyết áp, bất thường thị giác, mất thính lực; khó tiêu, khó chịu ở dạ dày có thể xảy ra ở một số trường hợp.
"Không sử dụng thuốc ức chế PDE-5 chung với nhóm thuốc nitrat (điều trị bệnh mạch vành). Tất cả các thuốc ức chế PDE5 gây giãn mạch vành, làm tăng tác dụng hạ huyết áp của nitrat khác, kể cả những thuốc dùng để điều trị bệnh mạch vành. Do đó, việc sử dụng đồng thời nitrat và chất ức chế PED5 có thể gây nguy hiểm và nên tránh", bác sĩ Từ Thành Trí Dũng cho biết.
Phẫu thuật điều trị rối loạn cương?
Nếu thuốc và thiết bị chân không thất bại có thể xem xét chỉ định phẫu thuật cấy ghép một bộ phận dương vật giả - thể hang nhân tạo. Bộ phận cấy ghép giả bao gồm các thanh silicone bán cứng và các thiết bị gồm nhiều thành phần có thể bơm phồng bằng nước muối. Cả hai mẫu này đều có nguy cơ chung của gây tê, nhiễm trùng và đào thải vật ghép.
Phòng ngừa rối loạn cương
- Giữ đời sống thể chất và tinh thần lành mạnh: tránh căng thẳng, không thức khuya
- Không hút thuốc, không uống nhiều rượu bia
- Tập thể thao thường xuyên, ăn uống điều độ, giữ cơ thể khỏe mạnh
- Phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, xơ vữa mạch máu sẽ làm giảm nguy cơ bị rối loạn cương.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Để đặt lịch khám các bệnh nam khoa hay đặt câu hỏi có liên quan đến rối loạn cương dương, bạn có thể có thể điền thông tin tại đây hoặc liên hệ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
- Tại Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
- Tại TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh