Ông George Chiu chia sẻ điều này tại chương trình "Phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực Khoa học và Công nghệ" do Đại sứ quán Mỹ tổ chức ở Hà Nội, chiều 8/4. Ông Chiu là chuyên gia về hệ thống cơ điện tử, hệ thống điều khiển và xử lý hình ảnh. Ông từng làm giám đốc chương trình tại Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, thành viên Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Mỹ và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Hình ảnh.
Theo ông Chiu, nhiều người định nghĩa chưa chính xác về ngành bán dẫn. Nó là tổ hợp của nhiều ngành kỹ thuật truyền thống, ví dụ như Khoa học máy tính, Kỹ thuật hóa chất, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật vật liệu... Trong giáo dục đào tạo hay phát triển nhân lực, ông cho rằng không nên coi bán dẫn là một ngành mới.
Trước việc nhiều trường đại học ở Việt Nam mở ngành bán dẫn, ông Chiu nhận định có thể có rủi ro như đào tạo quá nhiều sinh viên.
"Bán dẫn chỉ được coi là ứng dụng của những ngành kỹ thuật truyền thống", ông giải thích. "Thay vì tuyển cho ngành mới gọi là ngành bán dẫn, chúng ta nên khuyến khích các ngành kỹ thuật tổng hợp để tạo ra nền tảng vững chắc, đáp ứng được nhiều yêu cầu ứng dụng và đảm bảo lợi ích lâu dài".
Nhận xét về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong ngành bán dẫn, tiến sĩ nói ông thấy ấn tượng khi nhìn thấy sinh viên chăm chỉ và hăng say học tập trong phòng lab ở các trường đại học tại Hà Nội.
Ông từng có cơ hội tiếp xúc với sinh viên Việt Nam tại Đại học Purdue và thấy họ chăm chỉ, biết cách chuẩn bị cho việc học của mình. Dù tiếp xúc còn hạn chế, ông tỏ ra lạc quan về nguồn nhân lực này.
"Việt Nam có nền tảng nhân tài cốt lõi mạnh và có thể chuẩn bị được cho sự phát triển thành công của ngành bán dẫn", ông nói.
Theo ông Chiu, không có mô hình phát triển nhân lực ngành bán dẫn thành công nào phù hợp hoàn toàn với Việt Nam vì mỗi quốc gia có đặc điểm riêng. Tuy nhiên khi xem xét các mô hình, ông đưa ra một số gợi ý.
Thứ nhất, phải nâng cao nguồn nhân tài đầu vào cho các chương trình phát triển nguồn nhân lực. "Đầu vào cần đa dạng về giới hay những điều kiện hoàn cảnh xã hội của học sinh", ông nói.
Thứ hai, trong quá trình đào tạo, cần theo sát con đường phát triển và duy trì sự quan tâm, niềm đam mê của học sinh sinh viên, để đầu ra có chất lượng cao.
Cuối cùng, ở đầu ra, ta cần đảm bảo rằng những kinh nghiệm, trải nghiệm, bằng cấp của các em thực sự có giá trị và thực sự đóng góp cho ngành.
Nói về mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành này đến năm 2030 của Việt Nam, ông Chiu đánh giá "tham vọng" nhưng cũng "tuyệt vời" nếu Việt Nam có thể đạt được. Ông cho biết Việt Nam có những lợi thế tốt để phát triển ngành bán dẫn, quan trọng là nhìn nhận ra thế mạnh riêng, trong đó có việc tận dụng các mối quan hệ hợp tác.
Ông ví dụ tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung của hai nước sau đó đề cập tới hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ cam kết cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
"Hãy tận dụng việc này như một lợi thế lớn cho Việt Nam", ông Chiu cho hay.
Để đạt mục tiêu 50.000, chuyên gia cho rằng cần có chiến lược rõ ràng trong việc phân bổ nguồn lực vào đâu, sử dụng như thế nào. Chính phủ cũng phải có chính sách công bằng và thể hiện sự tôn trọng với sở hữu trí tuệ, ông nói thêm.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.
Bình Minh