Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay lần đầu tuyển sinh chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano. Đây là chuyên ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn.
PGS Nguyễn Văn Quy, giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu, cho biết trước đó trường đã có một số ngành liên quan đến lĩnh vực này như Vật lý kỹ thuật hay Khoa học và Kỹ thuật vật liệu. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến thành lập trường trực thuộc chuyên về Khoa học vật liệu.
"Bách khoa Hà Nội đang rất tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này", ông Quy nói.
Tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, từ năm 2021, chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch trình độ cao.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Ở bậc đại học, sinh viên được học về các vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu. Ngoài ra, sinh viên Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan. Tổng số sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần của Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 1.200 mỗi năm.
Các đại học cho hay việc mở chương trình và tăng cường chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm.
"Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua", Technavio nhận định.
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7 tới. Intel, ông lớn trong lĩnh vực sản xuất chip, chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất. Nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới đặt nhà máy tại Việt Nam như USI Electronics (Đài Loan), Renesas Electronics (Nhật Bản).
Việt Nam cũng xuất hiện trên bản đồ sản xuất chip thế giới với ba dòng chip của FPT Semiconductor. Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Dù có nhiều tiềm năng, theo Technavio, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu lao động có tay nghề cao.
"Từ nay đến 2030, thế giới thiếu một triệu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn", ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, nói hôm 14/4, khi đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Theo ông, sự thiếu hụt này diễn ra mạnh nhất ở các nước phát triển, nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam.
PGS Nguyễn Văn Quy cho hay các báo cáo từ quốc tế đều cho thấy Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch.
Theo ông Quy, khi khảo sát nhu cầu từ hơn 30 doanh nghiệp để xây dựng chương trình ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, nhiều công ty lớn như Samsung hay LG chia sẻ sẵn sàng nhận vài trăm nhân sự một năm vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bán dẫn, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 14/4 cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ và các cơ quan liên quan cùng nghiên cứu, đưa ra phương án để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngắn hạn và dài hạn.
Thủ tướng cho rằng chủ trương hướng tới nghiên cứu công nghệ mới như chip, bán dẫn hay thành lập khu trung tâm thiết kế vi mạch là hướng đi đúng. Ông nhấn mạnh đào tạo cần đón đầu, tận dụng ngành có thế mạnh, như chip, bán dẫn, vi mạch, để "đi sau nhưng về trước".
PGS Phạm Nguyên Hải, khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay trường có chủ trương nâng cao chất lượng các ngành đang đào tạo và mở rộng một số chuyên ngành trên cơ sở nhu cầu chuyên sâu về thiết kế và sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam và thế giới. Hiện, khoa Vật lý của trường đang đào tạo gần 800 sinh viên mỗi năm.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 phòng thí nghiệm cho lĩnh vực này.
Còn tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm ngành Kỹ thuật vật liệu, Vật lý kỹ thuật, Điện tử - Viễn thông và các ngành gần khác cũng tuyển khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm.
"Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra các kỹ sư có am hiểu sâu sắc về kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, có khả năng phát triển các thiết bị và hệ thống điện tử tiên tiến, giải cơn khát nhân lực ngành này", ông Quy cho hay.
Sinh viên được trang bị kiến thức về các đặc tính vật liệu, quy trình chế tạo và sản xuất linh kiện vi điện tử, thiết kế mạch và tích hợp cấp hệ thống, các hệ nhúng và lập trình nhúng, các hệ điều khiển tự động, cảm biến, Internet vạn vật.
Sinh viên cũng sẽ có được kỹ năng và kiến thức về xử lý siêu sạch, màng mỏng, công nghệ bán dẫn, đóng gói và kiểm chuẩn linh kiện điện tử; đồng thời biết sử dụng các phần mềm và công cụ chuyên sử dụng trong thiết kế và mô phỏng các linh kiện vi điện tử.
Ông Quy nhìn nhận các đại học đều đang nâng dần quy mô đào tạo nhân lực nhằm giải "cơn khát" cho các doanh nghiệp. "Tuy nhiên, việc đào tạo phải thực hiện dần dần, đảm bảo chất lượng thay vì ồ ạt", ông Quy nói.