VSON8 diễn ra từ 16 - 26/7 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ((ICISE), Quy Nhơn. Sự kiện hội tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực vật lý neutrino, gồm GS Yuichi Oyama (Viện KEK, Nhật Bản), GS Atsumu Suzuki (Đại học Kobe, Nhật Bản), GS Tsuyoshi Nakaya và GS Makoto Miura (Đại học Tokyo, Nhật Bản), GS Jennifer Thomas (Đại học College London, Anh), GS Sanjib Kumar Agarwalla (Viện Vật lý (IOP), Bhubaneswar, Ấn Độ), GS Junting Huang (Đại học Shanghai Jiao Tong, Trung Quốc).
Các nhà khoa học sẽ giảng kiến thức về vật lý hạt và vật lý neutrino, các nguyên lý cơ bản và kỹ thuật hiện đại để phát hiện ra chúng; phát kiến khoa học có thể đạt được với các thí nghiệm này. Học viên cũng được tiếp cận với kỹ năng chạy mô phỏng các tương tác neutrino; phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò Super-Kamiokande (một thí nghiệm đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015) hay trực tiếp vận hành, quan sát và đo đạc với một hệ đo các tia vũ trụ đơn giản.
Cũng tại trường học neutrinos, 32 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Anh, Việt Nam sẽ thực hành trực tiếp với các phần mềm và phần cứng sử dụng trong các thí nghiệm neutrino quốc tế. Nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino tại Trung tâm ICISE là nhóm nghiên cứu thực nghiệm duy nhất, tiên phong ở Việt Nam tham gia các thí nghiệm quốc tế được đặt ở Nhật Bản, trong đó có kết quả nghiên cứu của thí nghiệm T2K (một trong mười phát kiến khoa học thế giới năm 2020).
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE cho biết vật lý neutrino trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng có nhiều phát kiến mới trong chương trình nghiên cứu Vật lý hạt cơ bản của thế giới. Tuy nhiên việc nghiên cứu chuyên sâu về vật lý neutrino chưa được đưa vào chương trình đào tạo sau đại học tại Việt Nam. Theo đó Trường học cung cấp cho học viên nền tảng về neutrino "để phát triển nguồn nhân lực các nhà nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực này", ông nói.
Trường học Việt Nam về neutrino được tổ chức lần đầu năm 2017, với sự giúp đỡ từ các chuyên gia vật lý neutrino hàng đầu Nhật Bản. Trải qua 8 lần tổ chức, chương trình thu hút nhiều học viên quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Thông qua trường học, nhiều học viên Việt Nam và quốc tế theo đuổi nghiên cứu và nhận bằng tiến sĩ trong lĩnh vực neutrino.
Như Quỳnh