"Tôi không tin thế giới tin vào cáo buộc của Tổng thống Erdogan", Guardian dẫn lời ông Gulen nói, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi hôm qua với một nhóm nhỏ phóng viên tại nhà ở làng Saylorsburg, bang Pennsylvania. "Có khả năng đó có thể là một cuộc đảo chính dàn dựng và nó có thể nhằm tiếp tục cáo buộc những người theo phong trào Gulen".
Ông Gulen bác tất cả cáo buộc rằng ông đứng sau âm mưu đảo chính.
Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Gulen. Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập vào lực lượng hiến binh, nơi việc kiểm tra lý lịch tương đối lỏng lẻo, và sau đó dần dần "chui sâu, leo cao" vào hàng ngũ chỉ huy trong quân đội. Phong trào còn có tên gọi khác là phong trào Hizmet (Phụng sự), thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng.
Sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, ông Gulen bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp quân sự, cho rằng bản thân ông đã phải chịu đựng sau các cuộc đảo chính những năm 1990. "Sau các cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã chịu áp lực và bị bỏ tù. Tôi đã bị xét xử và đối mặt với nhiều hình thức quấy rối", ông nói. "Giờ thì Thổ Nhĩ Kỳ đang trên con đường dân chủ, nước này không thể quay đầu lại".
Khi được hỏi liệu ông có quay lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu cuộc đảo chính thành công hay không, Gulen nói: "Thực sự tôi rất nhớ quê hương. Nhưng có một yếu tố quan trọng khác, đó là tự do. Tôi ở đây, tránh xa những rắc rối chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và tôi sống với tự do của mình".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua phát biểu tại Istanbul, kêu gọi người đồng cấp Mỹ Barack Obama bắt ông Gulen và trục xuất về quê hương. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết phía Washington chưa nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức nào, đồng thời cho biết Mỹ sẽ chỉ hành động nếu có bằng chứng chống lại ông Gulen.
Xem thêm: Người bị cáo buộc "đặt hàng đảo chính" ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trọng Giáp