Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án "Liên kết các hoạt động sản xuất của nông hộ vào chuỗi thương mại cung ứng bò thịt tại Việt Nam". Với sự tài trợ của Quỹ Crawford (Australia), trong thời gian từ ngày 6 đến 8/11, Bharath Dinakaran - học viên cao học ngành Nông nghiệp và Khoa học Thực phẩm đã tìm hiểu hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại Việt Nam, bao gồm: bộ môn Quản lý kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới (VNUA), Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Việt Nam, công ty COOPLUS.
Trong thời gian tại VNUA, Bharath tham gia chuỗi hoạt động chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và giao lưu văn hóa với hai nhóm sinh viên có đề tài nghiên cứu do dự án này cấp học bổng và Câu lạc bộ tiếng Anh, khoa Kinh tế và Quản lý. Các bạn cùng chia sẻ kiến thức, quan điểm theo chủ đề nghiên cứu, trao đổi nhằm cải thiện kỹ năng thuyết trình, viết tiếng Anh học thuật và giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Bharath chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực côn trùng với nhóm sinh viên tiên tiến khoa Nông học thông qua đề tài nghiên cứu thạc sĩ của mình về "Tối ưu hóa Quy trình nuôi dưỡng cho loài ruồi thụ phấn mới Eristalis tenax". Eristalis tenax là loại côn trùng có tiềm năng cao trong việc hỗ trợ thụ phấn cho các loài cây trồng.
Đề tài này đóng góp vào kiến thức khoa học về sinh học côn trùng thụ phấn, đồng thời, phát triển các giải pháp hiệu quả về chi phí cho việc ứng dụng các loài côn trùng thụ phấn trong nông nghiệp. Nghiên cứu của Bharath đã thử nghiệm các loại phấn hoa khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất cho sự sinh sản và phát triển của loài ruồi này.
Bharath cũng tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tìm hiểu đối tác trong dự án hợp tác quốc tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu với sinh viên học viện. Những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ dự án giúp tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng của Bharath về Việt Nam nói chung và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Đại diện VNUA cho biết, Đại học Tasmania nằm trong top 15 các đại học của Australia và trong top 2% các trường đại học trên thế giới, theo bảng xếp hạng QS 2023. Do đó, đây là cơ hội tốt để sinh viên trao đổi, giao lưu và học hỏi thúc đẩy kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, tăng cường sự tự tin và mở rộng hiểu biết.
Qua các buổi trao đổi kỹ năng nghiên cứu, sinh viên VNUA được học hỏi từ kinh nghiệm thực tế, từ đó, nắm bắt những phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu mới nhất. Những buổi trao đổi này giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy trình nghiên cứu, từ giai đoạn lên kế hoạch, thu thập dữ liệu, đến phân tích và trình bày kết quả.
Bên cạnh đó, các bạn có thể phát triển các kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm và tư duy phản biện..., những yếu tố quan trọng giúp bản thân tự tin hơn trong học tập và chuẩn bị cho công việc sau này.
Song song, hoạt động này mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế, xây dựng mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu trẻ trong tương lai, tìm hiểu sâu sắc hơn về phong tục, lối sống và giá trị văn hóa của các quốc gia, phát triển tư duy toàn cầu, tôn trọng và cởi mở với sự đa dạng văn hóa.
Thiên Minh