Một học sinh lấy ví dụ: Hết kỳ 1 lớp 6, học sinh phải học hết kiến thức môn Hóa, chuyển sang Vật lý rồi đến Sinh học. Lên lớp 7, các em tiếp tục theo trình tự Hóa, Lý, Sinh. Các môn học được bố trí theo cách này vừa cấp tập, vừa ngắt quãng, khiến các em không nhớ nổi kiến thức cũ. Còn giáo viên phải dạy cả 2-3 môn dù được đào tạo để dạy đơn môn.
Đây là nhận định gây ngạc nhiên với tôi - một người theo dõi sát quá trình đổi mới sách giáo khoa.
Sau khi lật tìm một số bộ sách giáo khoa lớp 6 và so sánh với tài liệu giảng dạy ở các nước, tôi không cho rằng Việt Nam học nặng hơn. Ngược lại, một số khái niệm như đo chiều dài, thể tích, cấu tạo sinh vật... đã được các nước giới thiệu ở bậc học nhỏ hơn. Việc học sinh cảm thấy quá áp lực có lẽ cần nhìn nhận từ một góc độ khác hơn là nội dung học tập. Tôi sẽ sử dụng môn Khoa học Tự nhiên để phân tích ba lý do.
Lý do thứ nhất, theo tôi, là số lượng giờ học dàn ra không đủ. Nếu chỉ nhìn vào số lượng giờ trên lớp, điều này thoạt nghe vô lý, vì trước kia môn vật lý lớp 6 chỉ có 35 tiết, gộp ba môn thì cũng chỉ cần 105 tiết. Trong khi đó, môn Khoa học Tự nhiên có tới 140 tiết. Tuy nhiên nếu xét về học trình, thì thay vì có cả một năm để làm quen khái niệm, học sinh sẽ phải học cấp tập một môn trong một vài tháng rồi để đó, quên đi cho tới năm sau. Lên lớp 7, các em phải khởi động lại trong thời gian cực ngắn, học cấp tập trong một hai tháng rồi lại để đó. Điều này càng khó khăn với sinh học, là một môn phải ghi nhớ nhiều. Đây là một sự bất cập cần thay đổi.
Lý do thứ hai tôi chợt nhận ra khi nhìn vào đề thi học kỳ. Mặc dù môn Khoa học Tự nhiên được thiết kế lại theo hướng trải nghiệm, chú trọng vào làm theo dự án (project-based), cách kiểm tra vẫn là trắc nghiệm theo kiến thức lý thuyết. Điều này vô tình tạo áp lực phải ghi nhớ tất cả kiến thức. Như vậy thay vì thi ba môn khác nhau, các em phải thi tất cả các môn trong cùng một đề. Khối lượng kiến thức có thể không thay đổi, nhưng áp lực thi cử gấp ba.
Lý do thứ ba là do phương pháp giảng dạy. Để giải bài toán: giáo viên được đào tạo đơn môn mà phải dạy đa môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn một môn được dạy bởi nhiều giáo viên. Điều này tháo gỡ phần nào khó khăn và thực tế cũng được một số nước áp dụng trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, qua theo dõi một số tiết học, tôi cho rằng giáo viên vẫn chưa được đào tạo cẩn thận về phương pháp mới để giảng dạy sách khoa mới. Họ vẫn đi theo hướng cũ là nặng lý thuyết mà lơ là thực hành, nhét mọi thứ có thể vào slide bài giảng. Một số trường sắp xếp học ba tiết để học sinh có thêm thời gian thực hành thì giáo viên lại dạy lý thuyết nguyên cả ba tiết này. Dẫn tới học sinh cảm thấy mệt mỏi vì phải chạy đua với kiến thức.
Để giảm áp lực cho học sinh tôi cho rằng trước hết cần thay đổi cách kiểm tra. Ví dụ, thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy, hãy kiểm tra theo một dự án có sản phẩm. Nếu điều này khó khăn với lớp 6, có thể kiểm tra từng giai đoạn thay vì dồn vào cuối kỳ. Phương thức kiểm tra có thể tham khảo thêm các nước tiên tiến. Việc đánh giá môn học này ở Australia tương đối linh động theo hướng dẫn chung của bộ. Học sinh có thể viết báo cáo, làm tin tức, trả lời trắc nghiệm... Có cả hoạt động cá nhân và hoạt động theo nhóm.
Việc nghiên cứu lại cách dàn môn học để học sinh không bị bỏ bẵng đi gần một năm là cần thiết. Kiến thức như cơm ăn, học cấp tập theo cách ghi nhớ chỉ bội thực, không giúp gì nhiều cho sự ứng dụng sau học tập.
Khó khăn về lực lượng giảng dạy có thể sẽ được khắc phục dần dần qua quá trình đào tạo, bổ túc chuyên môn hàng năm. Tuy nhiên nếu ta mặc định là giáo viên môn nào dạy môn đó, thì nhược điểm này sẽ không được khắc phục.
Đối với tôi, việc học theo chương trình cũ hay mới đều có những ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên nếu đã thay bình mới cho phù hợp với xu hướng thời đại, thì rượu cũng phải mới.
Tô Thức