Nguyễn Bỉnh Khiêm là trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử khoa cử Việt Nam vì ông không thành danh khi còn ít tuổi.
Lớn lên trong thời kỳ nhà Hậu Lê rơi vào khủng hoảng, suy tàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay cho Lê sơ năm 1527, xã hội dần đi vào ổn định, ông vẫn chưa ra ứng thi mà bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều Mạc.
Tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh - thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay trạng nguyên. Năm đó, ông đã ngoài 40 tuổi.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ. Đến khi Mạc Thái Tông đột ngột qua đời vào năm 1540, Mạc Hiến Tông còn ít tuổi lên thay cha khiến triều chính nhiễu nhương, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp nhuận nên năm 1542 đã xin về quê.
Sau hai năm, vua Mạc lại sai người về phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông rồi lại thăng ông lên chức Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công.
Gần 20 năm (từ năm 53 đến 73 tuổi), Nguyễn Bỉnh Khiêm không ở hẳn kinh sư nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn”, “ông học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được trọng dụng bởi tầm nhìn chính trị. Sử sách và người đời đều thừa nhận ông là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một nước Việt.
Câu 3: Tài tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ giúp họ Mạc mà còn giúp thế lực nào?