Với tài tiên tri, Nguyễn Bỉnh Khiêm được cả họ Mạc, họ Trịnh và họ Nguyễn thời bấy giờ trọng dụng. Những lời tham vấn, tiên tri của ông đều ứng với những thế lực này và giúp ích cho họ.
Theo cuốn Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc - Hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức, giữa lúc triều đình họ Mạc gặp lâm nguy, vua Mạc sai người đến hỏi và ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc "Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô" (Nghĩa là nếu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được ba đời).
Quả nhiên, sau khi thất thủ ở Thăng Long năm 1592, con cháu nhà Mạc lên dựng nghiệp ở Cao Bằng, tồn tại được thêm ba đời nữa cho đến năm 1677 mới bị quân nhà Trịnh kéo lên tiêu diệt.
Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định cướp ngôi nhà Lê ngay khi đang giương cao ngọn cờ "Phù Lê diệt Mạc". Nhưng do sợ dư luận, họ Trịnh bèn sai người tìm Nguyễn Bình Khiêm. Ông khuyên rằng "giữ chùa thờ Phật được ăn oản", Trịnh Kiểm bèn đi tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua. Từ đó họ Trịnh nối đời cầm quyền, nhưng danh nghĩa vẫn là tôn phò nhà Lê.
Với nhà Nguyễn, từ khi Nguyễn Kim chết, Nguyễn Uông, con cả của Nguyễn Kim đã bị Trịnh Kiểm ám hại. Trước tình thế nguy nan, Nguyễn Hoàng (con trai thứ Nguyễn Kim) đã cho người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu ẩn ý "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân" (nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được).
Nhờ đó, năm 1568 Nguyễn Hoàng đã xin họ Trịnh vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam.
Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong rất nhiều lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam và lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình hay Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sấm này lưu lại những lời có tính tiên tri về biến cố chính của dân tộc Việt Nam.
Câu 4: Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác thơ chữ Hán còn nhiều hơn cả Nguyễn Trãi. Điều này đúng không?