Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.
Ông sinh ra ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cha ông là Nguyễn Văn Định, nổi tiếng học giỏi. Mẹ là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan tiến sĩ thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan triều vua Lê Thánh Tông - người học rộng, giỏi tướng số.
Theo cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, từ tuổi ấu thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi. Phả ký chép rằng: “Một buổi sáng, ông Văn Định bế bé Khiêm ngồi đọc sách, bỗng bé nói Mặt Trời mọc ở phía đông rồi. Ông Văn Định cũng lấy làm lạ”.
Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm… Hầu hết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông đều ghi nhận ảnh hưởng lớn từ bên họ ngoại trong việc hình thành nhân cách cũng như tài năng của ông.
Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo. Vốn sáng dạ lại chăm chỉ học hành nên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc của thầy. Sau này, khi Lương Đắc Bằng mất, ông đã giao con trai mình là Lương Hữu Khánh cho Nguyễn Bỉnh Khiêm nuôi dạy.
Về sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia kỳ thi dưới triều nhà Mạc và đỗ trạng nguyên ngay trong lần đầu ứng thi. Ông từng được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Câu 2: Nguyễn Bỉnh Khiêm dự khoa thi dưới triều vua nào?