Lương Thế Vinh (1441-1496) quê ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là Trạng nguyên của khoa thi năm 1463 dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 2 (năm 1463) tổ chức thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ người dự thi có tới 4.400, lấy đỗ 44 người. Ngày 16, thi điện cho các tiến sĩ. Vua thân hành ra đề văn sách hỏi về đạ xuất thân theo thứ bậc khác nhau... Ngày 22, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh cho từng người. Sai các quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa cho các sĩ nhân biết".
Phấn khởi trước thắng lợi của khoa thi khi mình mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã đặc ân ban một lá cờ khoa, tự tay đề ba vị khoa khôi thành một bài thơ:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh.
Lương Thế Vinh làm quan 32 năm ở Viện hàn lâm, được thăng đến chức cao nhất trong viện này. Ông còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục - những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lương Thế Vinh còn được vua giao soạn nhiều biểu sớ quan trọng liên quan đến ngoại giao với nhà Minh. "Tháng 12, ngày đinh dậu, vua đưa tờ biểu về việc tiến cống hàng năm cho Hàn lâm viện thị thư Lương Thế Vinh soạn thảo để triều thần bàn. Về giấy tờ bang giao, vua trước hết sai quan Hàn lâm viện soạn thảo, rồi trao xuống cho Đông các xem, sau lại đưa cho triều thần xem. Nếu có ý gì khác, thì cho sửa lại. Vì thế, người Minh thường khen rằng nước ta có nhiều người giỏi", Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Câu 2: Vì sao Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường?