Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán. Tương truyền, thuở nhỏ có một lần ông cùng chúng bạn ngồi chơi dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết chiều cao của cây. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần trèo, đứng dưới đất đo bóng cây cũng tính ra.
"Cậu lấy chiếc gậy cầm ở tay đo xem dài ngắn bao nhiêu rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm được chiều cao của cây này. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo tít lên ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính", sách Những Trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam viết.
Cách tính chiều cao này của Lương Thế Vinh ở thế kỷ 15 chính là phép đồng dạng tam giác được áp dụng ngày nay.
Vị quan nước Đại Việt Lương Thế Vinh cũng từng làm sứ nhà Thanh là Chu Hy phải thán phục về tài năng tính toán. Hy yêu cầu quan Trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên.
Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển sách. Vị quan nhà Lê đã trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra kết quả.
Sứ nhà Thanh khi đó đã phải thốt lên: "Nước Nam quả có lắm người tài".
Câu 3: Lương Thế Vinh là tác giả của cuốn sách về môn gì, được giảng dạy trong các nhà trường suốt 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến 19)?