Trần Nghệ Tông sinh tháng 12/1321, tên húy là Trần Phủ, con vua Trần Minh Tông. Ông là em vua Trần Hiến Tông và anh của vua Trần Dụ Tông.
Thời Trần Dụ Tông, triều đại nhà Trần bắt đầu suy yếu vì vua sa vào rượu chè, cờ bạc, dân đói, nạn quan tham nổi lên. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, không có con nối dõi. Hiến Từ Hoàng thái hậu đứng ra lựa chọn người kế vị và chọn cháu trai mình tên là Trần Nhật Lễ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nhật Lễ vốn không phải là tôn thất nhà Trần, mẹ ông là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương.
Sau 5 tháng lên ngôi, Nhật Lễ giết Hiến Từ Thái hoàng thái hậu vì bị lộ việc mình là con của kép hát. Sau đó, ông rượu chè, rong chơi, hát xướng suốt ngày lại muốn đổi lại họ Dương khiến tôn thất và các quan đều rất thất vọng.
Bấy giờ, Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông sau này) không có ý muốn tranh giành ngôi vị khiến Thiên Ninh công chúa phải khuyên ông "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho".
Trước khi ra đi, Trần Phủ làm bài thơ tặng em: "Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan/ Né thân, vượt núi, tới sơn man/ Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy/ Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan/ Diệt Vũ giữ gìn đường xã tắc/ Phò lưu lại thấy Hán y quan/ Minh Tông sự nghiệp em nên nhớ/ Thu phục thần kinh sắp khải hoàn" (bản dịch nghĩa theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Người bấy giờ cho bài thơ ấy là lời sấm.
Tháng 11/1370, Trần Phủ cùng Thiên Ninh công chúa và các anh em dẫn quân về kinh thành, đánh vào hoàng cung. Dương Nhật Lễ bị phế bỏ. Ngày 15/11, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá.
Câu 2: Lên ngôi được vài tháng, vua Trần Nghệ Tông phải đối mặt với họa Chiêm Thành. Vì sao Chiêm Thành lại sang cướp Đại Việt vào thời điểm đó?