Lê Lợi sinh ngày 6/8/1385, là con thứ ba của Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua sinh tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Khi mới sinh, trông vua thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc thật tinh anh, kỳ vĩ: mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, dáng đi như rồng, nhịp bước như hổ, tiếng nói như chuông... Bấy giờ, kẻ thức giả đều cho vua là bậc phi thường".
Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) ở Thanh Hóa. |
Trưởng thành trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Việt, năm 1418, Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh. Dưới sự lãnh đạo của ông, sau 10 năm chiến đấu anh dũng, nghĩa quân đã đánh bại quân xâm lược và giành lại độc lập dân tộc.
Rằm tháng 4/1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh (tức thành Thăng Long), đại xá, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh, lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Là hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ mở đầu cho triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 355 năm.
Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua đời vào ngày 22/8/1433 âm lịch, thọ 49 tuổi, được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông là một trong những anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhận xét về Lê Lợi, sử thần Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp".
Câu 5: Cây cầu nào là nhân chứng lịch sử cho những năm tháng quân và dân Thanh Hóa bắn rơi hơn 100 máy bay của quân xâm lược Mỹ?