Chúa Nguyễn Phúc Tần sinh năm 1620, là con thứ của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Năm 1648, Nguyễn Phúc Tần tham gia vào cuộc chiến thứ tư với họ Trịnh cùng cha, nhưng khi thắng trận trở về thì cũng là lúc chúa Thượng qua đời. Nguyễn Phúc Tần lên thay, trở thành vị chúa thứ tư của chính quyền Đàng Trong, được người dân gọi là chúa Hiền.
Chúa Hiền trị vì từ năm 1648 đến 1687, tổng cộng 40 năm. Vừa lên ngôi, ông đã lo sắm sửa, chuẩn bị lực lượng để tấn công ra Bắc. Đến năm 1655, nhân có tin báo của trấn thủ dinh Bố Chính về việc tướng họ Trịnh ở châu Bắc Bố Chính đem quân sang đánh cướp Nam Bố Chính, chúa Hiền quyết định cử binh ra Bắc đánh nhau với quân Trịnh. Đây là cuộc chiến lâu nhất trong nội chiến Trịnh - Nguyễn, kéo dài 5 năm và do quân Nguyễn chủ động tấn công.
Đến năm 1661, Trịnh Tạc đem vua Lê Thần Tông và đại binh vào đánh quân của chúa Nguyễn, mở ra cuộc chiến lần thứ năm. Nhưng chỉ sau một năm, họ Trịnh phải rút quân.
Năm 1672, họ Trịnh lại rước vua Lê Gia Tông và đem mấy chục nghìn quân vào đóng ở đất Bắc Bố Chính để đánh nhau với quân Nguyễn. Trận này, hai bên giằng co. Đến cuối năm, quân Trịnh rút về, cử người đóng đồn ở các đường trọng yếu châu Bắc Bố Chính, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ đó, Nam - Bắc nghỉ binh, chấm dứt việc chiến tranh.
Chiến tranh Trịnh - Nguyễn bề ngoài dường như không phân thắng bại vì cuối cùng hai tập đoàn phong kiến đã phải lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nhưng theo Lịch sử Việt Nam, nếu đi sâu vào thực chất, họ Trịnh thất bại vì đã không thôn tính được Đàng Trong.
Cuộc chiến này đã gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân cả nước. Nó làm kiệt quệ sức người sức của, tàn phá nhiều đồng ruộng xóm làng, giết hại nhiều người dân vô tội, kéo cả nước vào cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn để rồi phân chia đất nước thành hai, gây ngăn cách cho nhân dân hai miền suốt nhiều năm.
Câu 2: Chúa Nguyễn Phúc Tần đã tăng sự ảnh hưởng của chính quyền trên lãnh thổ của nước nào?