Theo sách Lịch sử Việt Nam (tập 3, xuất bản năm 2017), Trịnh Kiểm (1503-1570) là người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Lúc nhỏ gia cảnh nghèo túng, ông thường đi ăn trộm để nuôi mẹ, đi ở, chăn trâu.
Lớn lên Trịnh Kiểm khỏe mạnh hơn người, được theo ở nhà Hưng quốc công Nguyễn Kim - người có công đầu trong việc dựng lại quốc thống triều Lê, lập ra thời đại Lê trung hưng. Trịnh Kiểm được Nguyễn Kim tin cậy, gả con gái cho rồi giao coi binh mã, phong làm Dực nghĩa hầu. Do lập được nhiều chiến công, vua Lê Trang Tông đã phong Trịnh Kiểm làm Đại tướng, tước Quận công.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị nhà Mạc đầu độc chết, Trịnh Kiểm lên thay, điều hành binh tướng, công việc triều chính. Tháng 8 cùng năm, vua sai Dực quận công Trịnh Kiểm làm đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ, kiêm Thái sư Lượng quốc công. Mọi binh quyền, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần đều được tuỳ mình quyết định, sau mới tâu vua, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết. Sự nghiệp nắm quyền hành của họ Trịnh bắt đầu từ đây.
Tuy được coi là chúa đầu tiên của hơn 200 năm cơ nghiệp dòng họ Trịnh, nhưng đương thời Trịnh Kiểm không xưng là chúa. Lê Anh Tông được Trịnh Kiểm tôn lên làm vua, đã phong ông là Thượng phụ. Sau khi Trịnh Kiểm chết, được trao hiệu Thái Vương.
Từ thời Trịnh Tùng (con thứ của Trịnh Kiểm) nắm quyền, người họ Trịnh chính thức được phong vương, mở ra thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh.
Câu 3: Trong thời gian nắm quyền bính, họ Trịnh có giúp được nhà Lê diệt nhà Mạc, lấy lại kinh thành Thăng Long?