Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (hay còn gọi là nhà thờ đá Phát Diệm) là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Công trình tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), cách Hà Nội khoảng 120 km.
Công trình này được khởi công vào năm 1875 dưới sự chủ trì của linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) - linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1965. Năm 1898, công trình cơ bản hoàn thành.
Toàn cảnh nhà thờ đá Phát Diệm. Video: Lê Hoàng
Toàn bộ công trình nhà thờ đá Phát Diệm gồm nhà thờ lớn; 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên); tháp chuông; ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ lim. Trong đó, đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30 km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa; gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa. Có những phiến đá nặng đến 20 tấn, những cây gỗ nặng đến 7 tấn đã được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ vào cuối thế kỷ XIX.
Điểm độc đáo của nhà thờ Phát Diệm nằm ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo nhưng được mô phỏng theo nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với những mái cong hình mũi thuyền, xung quanh được bài trí với vô số hình tượng thân thuộc của làng quê Việt Nam như sen, tùng, cúc, trúc, mai...
Trải qua hơn 100 năm tồn tại với nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhà thờ Phát Diệm vẫn giữ được nguyên trạng cho đến ngày nay. Quần thể kiến trúc nhà thờ này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988 và đang được tỉnh Ninh Bình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Câu 7: Ninh Bình nổi tiếng với đặc sản gì?