Vùng đất phía nam Đại Việt có ba tiểu quốc đều phải thần phục các vua Lê là Chiêm Thành, Nam Bàn và Hoa Anh (nước đệm giữa Chiêm Thành và Đại Việt, do vua Lê lập ra sau năm 1471, là vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay).
Năm 1578, Chiêm Thành nghĩ tới việc giành nước Hoa Anh nhân lúc Đại Việt bị khủng hoảng chính trị. Thời điểm đó, Nguyễn Hoàng đang nhận nhiệm vụ trấn trị tại đất Thuận Quảng, giáp ranh với nước Hoa Anh. Ông cử Lương Văn Chánh đem quân đánh, lấy được Hồ Thành (nay thuộc Tuy Hòa, Phú Yên). Sau đó, Lương Văn Chánh được coi giữ vùng này, cho dân nơi khác vào khai thác đất đai, chia lập thôn ấp, từng bước tạo nên những làng mạc ở đây.
Năm 1611, Chiêm Thành lại cho quân lấn đất Hoa Anh, giết và đuổi những nông dân người Việt đang cư trú và khai khẩn đất đai ở đó. Nguyễn Hoàng sai Văn Phong đem quân đánh bại. Chiêm Thành bị thua, phải bỏ Hoa Anh. Quân Nguyễn lấy được một vùng đất giáp Quảng Nam, bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên).
Lần này, họ Nguyễn đã được hẳn vùng đất này, Nguyễn Hoàng đặt thành một phủ là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Nguyễn Hoàng cho quân phòng giữ, tổ chức dinh điền, đưa dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định vào định cư.
Việc lập ra một phủ mới ở Phú Yên đồng nghĩa với việc chúa Nguyễn xác lập chủ quyền, chấm dứt sự tranh chấp trên một vùng đất đệm giữa hai bên.
Như vậy, ở thời chúa Nguyễn Hoàng, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoàng Sơn (nam Hà Tĩnh), qua đèo Hải Vân tới núi Thạch Bi, gần đèo Cả (bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa).
Câu 6: Ngoài việc mở mang bờ cõi, chúa Nguyễn Hoàng còn để lại dấu ấn đưa Đàng Trong phát triển bằng cách nào?