Bộ Công an đã bàn giao 25 sinh viên Sơn La và 28 em ở Hòa Bình được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 về địa phương. Nhiều đại học khác như Y Hà Nội, Kinh tế quốc tế hay Sư phạm Hà Nội cũng hoàn thành thủ tục buộc thôi học với thí sinh không đủ điều kiện.
Các trường đều không có kế hoạch bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018, lý do sinh viên đã học gần hết một năm học. Điều này khiến nhiều em tiếc nuối khi chỉ cần thêm 0,05 điểm là có thể vào được trường. Hoàng Bá Hùng (sinh năm 1998, quê Nam Định) là một trong những thí sinh như vậy.
2018 là năm thứ ba Hùng thi đại học. Em quyết định chọn Học viện An ninh nhân dân giống năm trước bởi nghĩ học trong lực lượng vũ trang sẽ sớm ổn định công việc, gia đình cũng có hai người làm trong ngành. Dành cả một năm tập trung ôn luyện, Hùng tự tin vào khả năng trúng tuyển của mình.
Em chia sẻ năm 2017 đủ điểm đỗ nhưng sai sót trong hồ sơ nên không được nhập học. Điều đó càng khiến em kỳ vọng hơn. Kết quả, Hùng đạt 24,65 điểm khối D01 (cộng 0,25 điểm khu vực). Chọn ngành Nghiệp vụ an ninh với điểm chuẩn là 24,7, Hùng tiếc nuối khi chỉ thiếu 0,05.
Được sự động viên của bố mẹ, Hùng nộp hồ sơ vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân. Học được gần một năm, Hùng thấy phù hợp với ngôi trường này và nhận ra cơ hội nghề nghiệp cũng nhiều. Sự tiếc nuối vì thiếu 0,05 cũng nguôi ngoai.
Nhưng khi thông tin về 222 thí sinh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La gian lận liên tục xuất hiện trong hai tháng qua khiến Hùng bất bình. Một lần nữa, em tiếc vì bỏ ra quá nhiều công sức và thời gian cho một kỳ thi có quá nhiều bạn được nâng điểm. Ba trường Học viện An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy lấy tổng chỉ tiêu năm 2018 là 727. Số thí sinh nâng điểm ở Sơn La và Hòa Bình trúng tuyển vào ba trường này là 53, tương đương 7,3%.
"Chỉ tiêu ít mà số thí sinh được nâng điểm trúng tuyển quá nhiều thì thật bất công", Hùng nói và cho biết giờ vẫn thấy bất bình mỗi lần nhắc tới thí sinh Sơn La được "phù phép" tăng 26,55 điểm xét tuyển.
>>Chín tháng vạch trần mánh gian lận thi THPT quốc gia 2018 >>Bộ Công an loại 25 sinh viên từ Sơn La sau vụ gian lận điểm >>Bộ Công an trả về Hòa Bình 28 sinh viên được nâng điểm |
Có hoàn cảnh tương tự, Vy Văn Trọng (sinh năm 1999, Lạng Sơn) liên tục nói "khó chịu" khi nghe đến vụ gian lận mà em cho là "khủng khiếp". Năm 2017, Trọng thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân nhưng thiếu khoảng 3 điểm. Em quyết định không theo học các trường khác để dồn toàn lực ôn thi lại với mong muốn trúng tuyển vào một trường trong lực lượng vũ trang - nơi em được rèn luyện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Sau một năm dùi mài, Trọng đăng ký nguyện vọng duy nhất vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Học viện Khoa học quân sự. Em đạt 20,68 điểm khối D01, bị trượt do ngành này lấy 20,73. Thí sinh này quyết định nghỉ ở nhà và ôn thi lại năm thứ ba. Ngôi trường dự định là Sĩ quan chính trị.
Đang ở giai đoạn ôn thi quan trọng, nghe thông tin thí sinh được nâng điểm khiến em rất bực. "Em cũng tiếc bởi kể cả khi các bạn bị đuổi học thì trường vẫn không tuyển thêm thí sinh điểm cao liền kề. Em hy vọng kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc để dù có trượt cũng thấy thoải mái", nam sinh thiếu đúng 0,05 điểm chia sẻ.
Không thi vào trường công an hay quân đội nhưng Nguyễn Trung (sinh năm 2000, Hà Nội) cũng sốc trước vụ gian lận điểm thi, đặc biệt khi em chỉ thiếu 0,05 điểm để vào ngành mong muốn. Yêu thích ngành Kinh tế quốc tế và được cả gia đình ủng hộ, Trung và bố mẹ xem xét kỹ điểm chuẩn, chỉ tiêu của các trường trong ba năm. So sánh với lực học và thực tế khi làm bài thi THPT quốc gia, nam sinh đặt nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế quốc tế của Đại học Thương mại.
Đạt tổng điểm 21,2 (Anh 7,4, Toán 6,8 và Văn 7), cả nhà Trung khá yên tâm vì em đạt điểm tương đối với đề thi khó và đã cân nhắc kỹ trước khi chọn nguyện vọng. "Nhưng điểm chuẩn trường công bố là 21,25, cả nhà em sốc. Thiếu 0,05 điểm, em thậm chí không chuyển hồ sơ vào ngành khác mà đợi với hy vọng trường hạ điểm chuẩn. Đợi lâu đến mức em là thí sinh cuối cùng nộp hồ sơ vào Khoa tiếng Anh thương mại", Trung kể.
Cuối tháng 3, khi điểm thật của nhiều thí sinh Hòa Bình, Sơn La được vạch ra, Trung và gia đình sốc thêm lần nữa. Em chỉ cần khoanh đúng thêm một câu trắc nghiệm đã được vào ngành mà cả nhà mong đợi, nhưng điều này không xảy ra. Trong khi nhiều bạn "chỉ cần mối quan hệ của bố mẹ" là thành thủ khoa.
Không chỉ Trung, nhiều bạn bè xung quanh em cũng bất bình. Nam sinh cho rằng thí sinh được nâng điểm, dù ít hay nhiều, cũng phải bị hủy kết quả thi THPT quốc gia 2018 mới công bằng cho tất cả học sinh.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.
Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 em ở Hòa Bình và 44 em ở Sơn La được nâng điểm. 63 em trúng tuyển vào các trường công an, quân đội, y khoa, nhưng sau đó đã bị đuổi học hoặc tự nghỉ.
Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý.
16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam.