1. Đại học Ngoại thương
Trường tuyển 240 chỉ tiêu ngành Tài chính - Ngân hàng cho cơ sở Hà Nội theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với ba chuyên ngành là Tài chính quốc tế (100 chỉ tiêu), Phân tích và đầu tư tài chính (70) và Ngân hàng (70). Ở TP HCM, ngành này có 100 chỉ tiêu cho chuyên ngành duy nhất Tài chính quốc tế.
Học phí dự kiến năm học 2019-2020 là 18,5 triệu đồng và được điều chỉnh hàng năm không quá 10%. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng cơ sở Hà Nội là 23,65 và TP HCM là 23,5.
Ngoài ra, trường còn tuyển sinh ngành/chuyên ngành Tài chính ngân hàng với các chương trình tiên tiến và chất lượng cao. Trong đó, chương trình chất lượng cao dự kiến có học phí 40 triệu đồng và tiên tiến là 60 triệu đồng một năm.
2. Đại học Kinh tế quốc dân
Tài chính - Ngân hàng là ngành được phân bổ nhiều chỉ tiêu nhất Đại học Kinh tế quốc dân năm 2019 với 400. Trường còn tổ chức xếp lớp theo các lĩnh vực chuyên sâu gồm Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp và Tài chính công.
Học phí chương trình đại trà năm học 2019-2020 cho khóa 61 (tuyển sinh năm 2019) từ 15,5 đến 19 triệu đồng (biểu đồ lấy mức trung bình là 17,25 triệu).
Năm ngoái, ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế quốc dân lấy 22,85 điểm.
3. Học viện Tài chính
Trường tuyển thẳng 20 em, xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa trên kết quả học tập bậc THPT là 1.000 chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia là 1.000.
Học phí bốn năm đối với ngành Tài chính - Ngân hàng là 42 triệu đồng, tính theo năm học là 10,5 triệu. Điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng của trường năm ngoái là 20 đối với khối A và A01; 20,2 đối với D01.
4. Học viện Ngân hàng
Năm 2019, ngành Tài chính - Ngân hàng tuyển 600 chỉ tiêu chuyên ngành Tài chính và 550 chỉ tiêu Ngân hàng. Điểm trúng tuyển năm ngoài là 20,25.
Học viện Ngân hàng công bố thu học phí hàng năm với mức phí cạnh tranh so với nhiều trường nhờ lợi thế là trường công lập do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Trong đó, sinh viên hệ đại học chính quy nộp 8,91 triệu đồng/năm.
5. Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội)
Trường tuyển 144 chỉ tiêu ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng cao trong năm 2019 theo các tổ hợp A01, D01, D09, D10. Trong đó, điểm tiếng Anh phải đạt từ 4/10 trở lên và nhân hệ số 2. Năm ngoái, ngành này lấy 25,58 điểm.
Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2019 là 3,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 35 triệu đồng/năm.
6. Đại học Thương mại
Đầu vào của Đại học Thương mại ngày càng tăng. Năm ngoái, ngành Tài chính - ngân hàng gồm hai chuyên ngành là Tài chính - Ngân hàng thương mại và Tài chính công lấy điểm chuẩn lần lượt là 20 và 19,5.
Năm 2019, Đại học Thương mại dành 250 chỉ tiêu cho ngành Tài chính - Ngân hàng. Học phí dự kiến cho chương trình đại trà là 15,750 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh chương trình chất lượng cao ngành này với học phí 30,450 triệu đồng/năm.
7. Đại học Kinh tế TP HCM
Ngành Tài chính - Ngân hàng của Đại học Kinh tế TP HCM gồm các chuyên ngành Tài chính công, Thuế, Thuế trong kinh doanh, Quản trị hải quan - Ngoại thương, Ngân hàng, Ngân hàng đầu tư, Thị trường chứng khoán, Tài chính, Quản trị rủi ro tài chính và bảo hiểm, Đầu tư tài chính, Tài chính quốc tế. Tổng chỉ tiêu năm 2019 là 1.100.
Năm ngoái, điểm chuẩn ngành là 20, điểm chuẩn vào các chuyên ngành thuộc ngành Tài chính ngân hàng dao động từ 17,5 đến 21,3.
Học phí cụ thể cho bốn năm học như sau:
8. Đại học Kinh tế - Luật (TP HCM)
Trường tuyển sinh các ngành Tài chính - Ngân hàng hệ đại trà, chất lượng cao, chất lượng cao bằng tiếng Anh và Tài chính - Ngân hàng (Công nghệ tài chính) chất lượng cao.
Học phí chương trình đại trà năm 2019 là 8,9 triệu đồng lớp chất lượng cao là 22 triệu đồng (mỗi năm tăng 10%) và lớp chất lượng cao bằng tiếng Anh là 39 triệu đồng.
Năm ngoái, điểm chuẩn chương trình đại trà là 20,5, chương trình chất lượng cao là 19,75 và chất lượng cao bằng tiếng Anh là 18,75.
9. Đại học Ngân hàng TP HCM
Năm nay, trường tuyển 700 chỉ tiêu ngành này với hai chuyên ngành là Tài chính và Ngân hàng đại trà và chương trình chất lượng cao.
Học phí đối với hệ đại học chính quy của trường được áp dụng theo quy định của Nhà nước đối với đại học công lập chưa tự chủ tài chính, tức 890.000 đồng/tháng. Đối với chương trình chất lượng cao, học phí 16 triệu đồng/học kỳ, cả khóa học có 8 kỳ.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển các chương trình chất lượng cao là 18, chương trình Tài chính - Ngân hàng đại trà là 19,1.
10. Đại học Tài chính - Marketing
Năm nay, trường tuyển sinh 550 chỉ tiêu cho ngành này, với 8 chuyên ngành gồm Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng, Thuế, Hải quan - Xuất nhập khẩu, Tài chính công, Tài chính Bảo hiểm và Đầu tư, Thẩm định giá, Tài chính định lượng. Ngoài ra, trường còn tuyển 270 chỉ tiêu cho hai chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp và Ngân hàng chất lượng cao.
Học phí đối với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao là 36,3 triệu đồng/năm. Học phí này được tính bình quân theo từng năm học. Học phí thực tế đóng được tính dựa trên số tín chỉ của các học phần do sinh viên đăng ký học theo từng học kỳ, năm học.
Năm ngoái, ngành Tài chính - Ngân hàng lấy điểm chuẩn là 18,9.