Times Higher Education xếp hạng trường đại học dựa trên các thước đo về giảng dạy, nghiên cứu và triển vọng quốc tế, ví dụ số sinh viên và giáo viên nước ngoài. Biên tập viên Phil Baty cho biết, việc Oxford giành được vị trí đầu bảng là tin tuyệt vời, nhưng việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) là mối đe dọa lớn cho giáo dục đại học của quốc gia này.
“Kết quả trưng cầu dân ý đã gây ra sự bất ổn cho lĩnh vực giáo dục đại học. Một số tổ chức nghiên cứu hàng đầu cho biết đang phải tạm ngừng các dự án nghiên cứu hợp tác với đồng nghiệp EU. Cùng với đó, nhiều người dân thừa nhận có thể tìm đến một trường đại học ở nước ngoài. Việc này cũng có tác động đến việc Anh thu hút nhân tài quốc tế trong tương lai”, ông nói.
Justine Greening, Bộ trưởng Giáo dục Anh cho biết, Anh từ lâu là quê hương của một số trường đại học tốt nhất thế giới và thật tuyệt vời khi lần đầu tiên có một trường của Anh đứng đầu bảng xếp hạng. "Chúng ta muốn nhìn thấy thành công này tiếp tục và mang đến cơ hội thực sự cho sinh viên toàn quốc. Đó là lý do vì sao chúng ta đang cải cách giáo dục đại học để đảm bảo nó mang đến chất lượng giảng dạy và kỹ năng mà sinh viên và các nhà tuyển dụng mong đợi", ông nói.
Bảng xếp hạng năm nay mang đến một bức tranh “vừa vui vừa buồn” đối với châu Âu. Cụ thể, trường ETH Zurich của Thụy Sĩ hai năm liên tiếp được xếp hạng 9. Đức có 41 trường có mặt trong bảng xếp hạng, trong đó 9 trường lọt tốp 100. Lần đầu tiên, Hà Lan có 13 trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu của mình vào tốp 200.
Nhưng các nước châu Âu khác đang mất vị thế. 1/3 trong 27 trường xếp hạng của Pháp bị giảm bậc, trong khi đó một nửa số trường của Italy (39) cùng chung nỗi buồn này. Pháp, Tây Ban Nha và Italy đều bị mất một đại diện trong tốp 200 so với năm ngoái.
Trung và Đông Âu cũng chịu chung số phận. Cộng hòa Séc chỉ có một trường đại học năm trong tốp 600 trong khi năm ngoái là 6. 3 trong số 4 trường của Romania bị tụt hạng. Đan Mạch và Phần Lan cũng đang có dấu hiệu trượt dốc khi Đại học Copenhagen và Helsinki giảm 38 và 15 bậc.
Trái ngược với châu Âu, châu Á tiếp tục tăng vị trí trên bảng xếp hạng. Với 4 trường mới, khu vực này có tổng số 19 đại diện lọt tốp 200. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từ vị trí 42 năm ngoái lên 29 vào năm nay. Đại học Thanh Hoa giành vị trí thứ 35, tăng 12 bậc.
Với 5 trong 6 đại diện, Hong Kong có nhiều trường đại học nhất có mặt trong tốp 200 của châu Á. Đại học Quốc gia Singapore đứng vị trí 24, cao nhất của các trường châu Á.
Quỳnh Linh (theo BBC News)