Sáng 6/8, ông Nguyễn Hữu Tâm (Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Bạc Liêu) cho biết điểm học bạ này xét tuyển vào các ngành: Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Khoa học môi trường, Công nghệ thông tin, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Nuôi trồng thuỷ sản.
Đây là điểm trung bình cộng các môn thuộc tổ hợp xét tuyển 6 học kỳ (lớp 10, 11, 12) ở bậc THPT. Trung bình mỗi môn, thí sinh đạt 5 điểm là có thể đậu vào trường. "Mức điểm này phù hợp với nguồn tuyển ở địa phương, khi trường nhắm đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Việc tuyển sinh ở trường khá khó khăn, hằng năm tuyển được chưa tới 70% chỉ tiêu theo kế hoạch", ông Tâm nói.
Trước đó, Đại học Bạc Liêu cũng lấy mức sàn xét tuyển theo phương thức điểm thi THPT từ 12 đến 13 điểm - ngưỡng thấp nhất mà các trường đưa ra trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, nhà trường cho rằng, điểm chuẩn được công bố ngày 9/8 sẽ cao hơn mức sàn này, phù hợp với mặt bằng chung các đại học tại Tây Nam Bộ.
Theo các chuyên viên tuyển sinh, phương thức xét tuyển bằng học bạ đang được nhiều trường "thiên biến vạn hóa" thành nhiều công thức khác nhau. Có trường sử dụng kết quả môn học từ 3 năm THPT, có trường chỉ lấy năm học lớp 12. Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường lấy mức điểm chuẩn học bạ 15 là không sai nhưng quá thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu vào.
Năm nay, Đại học Bạc Liêu có 600 chỉ tiêu đại học và 260 cao đẳng sư phạm. Năm 2018, điểm chuẩn theo phương thức điểm thi THPT quốc gia của trường là 14, áp dụng cho tất cả ngành ngoài sư phạm.
Trước đó, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ THPT quốc gia được nhiều đại học công bố. 28,01 điểm là mức cao nhất được Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM áp dụng cho ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (chất lượng cao tiếng Việt). Đây là tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (không tính học kỳ hai lớp 12) của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển.
Trong 30 chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, điểm chuẩn thấp nhất là 22,5 (Công nghệ kỹ thuật nhiệt - tiếng Anh); các ngành còn lại lấy 24-28 điểm.
24-27 điểm được Đại học Giao thông Vận tải TP HCM áp dụng cho 6 ngành: Khai thác vận tải, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, chuyên ngành Quản lý hàng hải, Kinh tế vận tải, Khai thác vận tải.
Đại học Công nghiệp TP HCM có 23 ngành lấy điểm chuẩn học bạ từ 24 trở lên, trong đó Kinh doanh quốc tế cao nhất là 27,25.
18 điểm là mức chuẩn được nhiều đại học ngoài công lập áp dụng cho hầu hết các ngành theo phương thức xét tuyển học bạ, như: Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Văn Hiến, Công nghệ TP HCM, Kinh tế - Tài chính TP HCM, Tài nguyên và Môi trường TP HCM, Thủ Dầu Một...
2019 là năm thứ hai các trường đại học tự xác định điểm sàn tuyển sinh, trừ khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là: đại học sư phạm 18 điểm; cao đẳng sư phạm là 16 điểm, trung cấp sư phạm 14 điểm.
Các ngưỡng điểm này áp dụng cho tất cả tổ hợp ba môn thi, bài thi và không nhân hệ số, không tính ưu tiên khu vực. Thí sinh dưới ngưỡng này sẽ bị loại khỏi danh sách xét tuyển.
Đây cũng năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Mục đích là đảm bảo đầu vào tối thiểu đối với ngành nghề quan trọng, liên quan đến sức khỏe.
Ngưỡng đầu vào ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt là 21 điểm; Y học cổ truyền, Dược học 20 điểm. Các ngành Y học dự phòng, Hộ sinh, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 18 điểm. Mức điểm sàn này áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển.