Tác phẩm do Lê Hồng Sâm dịch, là tiểu thuyết cuối cùng của tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert. Tác phẩm được ông viết từ năm 1864, hoàn thành năm 1869, kể về mối tình lãng mạn của chàng trai trẻ trên đường tìm kiếm sự nghiệp và danh vọng - Frederic Moreau - với thiếu phụ Marie Arnoux.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng sự việc chuyến tàu La Ville-de-Montereau rời cảng Saint-Bernard vào ngày 15/9/1840. Không gian là dấu mốc của một chuyện tình lấy bối cảnh diễn ra những biến động quan trọng trong đời sống chính trị Pháp. Về phần Frederic Moreau, anh là một thanh niên đi từ mơ mộng đến lãnh đạm và sụp đổ trong tương quan với bản thân lẫn xã hội.
Vào năm ra mắt, tác phẩm tạo ra những cách tiếp nhận trái chiều. Công chúng Pháp khi ấy cho rằng tác phẩm quá vô nghĩa, nhàm chán. Bởi sách được viết với một nhịp điệu chậm rãi, trong đó, Flaubert triệt tiêu gần như mọi kịch tính của câu chuyện. Ngược lại, theo nhà phê bình James Wood, chính sự bâng quơ, giản đơn, chậm rãi, vô mục đích làm nên sự vĩ đại của cuốn sách.
"Anh đi vơ vẩn, ngược trở lên khu Latin, thường thường hết sức nhộn nhịp, nhưng vào thời gian này vắng ngắt, vì sinh viên đã về với gia đình. Những bức tường cao của các nhà trường, như cao hơn lên trong thinh lặng, càng có vẻ ủ ê thêm; ta nghe đủ loại tiếng động hiền hòa, tiếng cánh chim vỗ trong lồng, tiếng máy tiện ro ro, tiếng búa của một bác thợ sửa giày; còn những người bán quần áo, giữa đường phố, hoài công đưa mắt gạn hỏi một ô cửa sổ. Sâu bên trong những tiệm giải khát quạnh hiu, người phụ nữ ở quầy hàng ngáp giữa những bình rượu đầy; những tờ báo vẫn xếp ngay ngắn trên bàn các phòng đọc; trong hiệu giặt là, áo quần vải vóc rung rinh dưới những hơi gió ẩm".
Trích đoạn trên của Gustave Flaubert là một trong số ví dụ cho việc miêu tả những điều bình thường trên trang viết của ông. Nhiều nhà phê bình cho rằng ông tạo nên một văn phong tiết chế, tập trung vào việc phô bày những chi tiết thị giác, điều dường như đi ngược với xu hướng văn chương thế kỷ 19. Phong cách của ông mở ra một con đường hoàn toàn mới cho các tiểu thuyết gia.
Flaubert từng nói: "Với tôi, tiểu thuyết gia không có quyền bộc lộ quan điểm của mình về bất kỳ điều gì. Hãy bắt chước Chúa trời: Làm việc của mình rồi ngậm miệng lại".
Lối viết văn của tác giả cũng khiến người đọc phần nào cảm nhận được cảm giác mơ hồ, khắc khoải của những người trẻ Paris trong bối cảnh những cuộc cách mạng Pháp đang diễn ra, tạo tiền đề hình thành đệ nhị đế chế ở Pháp. Nhiều chuyên gia nhận định đây không chỉ là một cuốn sách về lịch sử một cá nhân, mà đó còn là bức tranh xã hội rộng lớn về Paris trong cuộc cách mạng 1848.
Sau nửa thế kỷ, Marcel Proust và các nhà tiểu thuyết lớn của thế kỷ 20 đã đánh giá lại giá trị tác phẩm. Với trào lưu Phê bình mới, trào lưu Tiểu thuyết mới, quyển tiểu thuyết trở thành kiệt tác được độc giả săn lùng.
Franz Kafka xếp Giáo dục tình cảm là một trong những cuốn tiểu thuyết yêu thích nhất của ông. Nhà văn Nhật Haruki Murakami từng nhắc đến tác phẩm trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông như một biểu tượng quan trọng của văn chương.
Nhà phê bình văn học Anh James Wood khẳng định dù yêu hay ghét ông thì "các tiểu thuyết gia cũng nên cảm ơn ông như cách những thi sĩ cảm ơn mùa xuân: Mọi thứ bắt đầu lại từ Gustave Flaubert".
Nhà phê bình văn học người Mỹ Edmund Wilson nói: "Gustave Flaubert, chỉ bằng một cụm từ - một lời nhận xét về một vật tầm thường nào đấy - có thể truyền tải toàn bộ nỗi đắng cay của dục vọng, nỗi bi thương về sự thất bại của con người. Cách ông miêu tả một cảnh đơn giản nào đấy sẽ kết bằng một điệu tàn phai khiến ta nhớ đến thứ thơ ca hay âm nhạc tuyệt diệu".
Gustave Flaubert sinh ngày 12/12/1821 tại Rouen và mất ngày 8/5/1880 tại Croisset, Pháp. Ông trải qua tuổi thơ êm ả bên cạnh người cha làm bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Rouen. Sau những năm tháng ngắn ngủi theo học Luật ở Paris, ông mắc một chứng bệnh thần kinh buộc ông phải quay về tịnh dưỡng nơi điền trang gia đình ở Croisset. Ông lao vào sáng tác và lần lượt cho xuất bản Bà Bovary (1857), cuốn tiểu thuyết khiến ông vướng vào một vụ kiện tụng vì xúc phạm đạo đức tôn giáo và thuần phong mỹ tục.
Sau khi hoàn thành Bà Bovary, trong một bức thư viết cho người bạn của mình, nhà văn kiêu hãnh nói: "Tôi kiếm tìm ngọn sóng dữ chứ không nương náu trong một hải cảng an toàn. Nếu tôi chìm, anh cũng chẳng phải để tang đâu". Và lòng kiêu hãnh của nhà văn là có cơ sở, những Salammbo, Sentimental Education (Giáo dục tình cảm), Three Tales (Ba truyện), Bouvard and Pecuchet (Bouvard và Pecuchet) của ông đến nay vẫn là được xem là những kiệt tác.
Trung Đàm