H.T. -
"Hạnh phúc biết bao cho kẻ nào tự tin ở bản thân mình và có thể tung hoành trên trang giấy. Anh đã có những giây phút do dự, nản chí, tức giận và sợ hãi... Anh thường mất nhiều thời gian nghiền ngẫm một từ không thích hợp hơn là ngồi thưởng thức một đoạn văn cân đối".
Những dòng này được Gustave Flaubert viết cho người bạn gái Louise Colet năm 1847, khi nhà văn chỉ mới 25 tuổi và bắt đầu hình thành ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết Madame Bovary (Bà Bovary). Trong cuốn tiểu sử về nhà văn, tác giả Frederick Brown cho rằng, Flaubert là một con người suốt đời dằn vặt, loay hoay tìm kiếm lý tưởng thẩm mỹ qua những trang văn. Con người Flaubert là một cá thể đầy mâu thuẫn. Ông ngang ngạnh và liều lĩnh; vừa tỏ ra coi thường danh tiếng vừa say sưa tạo dựng tiếng tăm, danh vọng; vừa kiên trì với những câu hỏi về nghệ thuật, vừa nghi ngờ chính bản thân mình; vừa yêu thích cuộc sống ẩn dật, vừa giữ những mối liên hệ mật thiết với các salon văn chương tại Paris hoa lệ. Tâm sự với nhà phê bình Sainte-Beuve, Flaubert từng gọi mình là "kẻ già nua điên cuồng và lãng mạn".
Nhà văn Gustave Flaubert. |
Trong cuốn hồi ký khá nổi tiếng về Flaubert - The Family Idiot - Sartre cho rằng, Flaubert mắc chứng động kinh. Nhưng chính căn bệnh này lại trở thành một thứ "công cụ vô ý thức" giúp ông thoát khỏi cơ hội trở thành một luật sư. Dựa trên những tư liệu về y học, Brown cũng khẳng định nhà văn mắc chứng động kinh.
Với tư cách một nhà văn, Flaubert là người rất đỗi cầu toàn. Ông không phân biệt đề tài hay hay dở, tất cả phụ thuộc vào phong cách, với những yếu tố cơ bản như: ngôn ngữ, nghệ thuật cấu trúc tác phẩm và khả năng tổ chức giọng điệu, chuỗi sự kiện chặt chẽ, khôn khéo.
Gustave Flaubert sinh ra tại Rouen trong một gia đình có truyền thống về nghề y. Ông ngoại và bố ông đều là bác sĩ.
Flaubert bắt đầu viết văn từ những năm còn là học sinh trung học. Thời gian này ông phải lòng Elisa Schlésinger - một người phụ nữ đã có gia đình và hơn ông những 10 tuổi. Schlésinger dường như cũng có tình cảm nhất định với nhà văn nhờ hấp lực từ những trang viết của ông.
Tuy sinh ra trong một gia đình tư sản nhưng Flaubert rất căm ghét xã hội tư sản và không ngần ngại bộc lộ thái độ này của mình. Chính vì vậy, ông bị đuổi khỏi trường và phải lên Paris tự học tiếp.
Những năm học luật tại Paris vào khoảng đầu 1840 là khoảng thời gian đau buồn nhất trong cuộc đời Flaubert. Năm 1844, ông nhận thấy những triệu chứng bất thường về thần kinh ở bản thân mình. Nhà văn từng tâm sự với nữ sĩ George Sand: "Thuở bé, tôi là một kẻ nhút nhát, luôn luôn cảm thấy sợ cuộc sống". Tuy nhiên căn bệnh này đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp Flaubert. Ông thi trượt trong các kỳ thi ở trường luật và quyết định dâng hiến cuộc đời mình cho văn chương.
Năm 1846, Flaubert gặp Louise Colet. Đầy say đắm và quyết tâm, Colet theo đuổi nhà văn suốt chục năm trời không nản chí, dẫu có những lúc ông tìm mọi cách "lẩn như chạch". Tình yêu Flaubert dành cho Colet rất lạ thường. Có lần ông nói với cô: "Anh cố gắng yêu em và đã yêu em bằng cách của riêng anh, không giống những kẻ yêu nhau khác". Nhưng tình cảm yêu ghét trong Colet rõ ràng hơn. Năm 1855, khi trò đuổi bắt tình yêu đã trở nên mệt mỏi, hai người đã đường ai nấy đi, Colet đã nói những lời đầy hằn học: "Tôi coi thường tính cách và ghê tởm sự già nua xuất hiện rất sớm ở con người anh ta".
Flaubert đã dành cho nghệ thuật tất cả những gì ông không thể trao cho phụ nữ: sự kiên nhẫn, dâng hiến và mê đắm.
Từ tháng 11/1849 đến 4/1851, ông cùng nhà văn Maxime du Camp du ngoạn khắp Bắc Phi, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italy. Sau khi trở về, ông bắt tay vào viết tiểu thuyết Bà Bovary và hoàn thành tác phẩm để đời này sau 5 năm.
Mặc dù từng phát biểu: "Tôi là một con gấu và chỉ muốn nằm yên trong hang của chính mình", nhưng nhà văn vẫn giữ những mối liên hệ rất chặt chẽ với các salon văn học ở Paris và theo dõi sát sao cuộc cách mạng năm 1848.
Flaubert là một người rất biết yêu bản thân mình. Khi cần sự yên tĩnh, ông lánh về Croisset - một vùng thôn quên gần Rouen. Nhưng khi cần tới những mối quan hệ tâm giao, ông lại đáp tàu lên Paris. Suốt cuộc đời, Flaubert sống độc thân và có một thói quen rất kỳ lạ: yêu thương nhưng luôn giữ một khoảng cách an toàn với phụ nữ. Là một người yêu sự cô độc nhưng ông vẫn thường tập hợp những bạn bè tri kỷ xung quanh, đọc cho họ nghe những tác phẩm mới của mình. "Ông đã đọc cho tôi nghe 300 trang viết tuyệt vời. Tôi như bị mê hoặc", năm 1868, George Sand viết trong nhật ký của mình như vậy.
Sau khi hoàn thành Bà Bovary, trong một bức thư viết cho người bạn của mình, nhà văn kiêu hãnh: "Tôi kiếm tìm ngọn sóng dữ chứ không nương náu trong một hải cảng an toàn. Nếu tôi chìm, anh cũng chẳng phải để tang đâu". Và lòng kiêu hãnh của nhà văn là có cơ sở, những Salammbo, Sentimental Education (Giáo dục tình cảm), Three Tales (Ba truyện), Bouvard and Pecuchet (Bouvard và Pecuchet)... của ông đến nay vẫn là những kiệt tác còn sống mãi.
(Nguồn: Tổng hợp)