Nói đến giáo dục New Zealand, mọi người thường nghĩ ngay đến nhiều trường đại học danh tiếng hay các trường trung học chất lượng, nhưng ít ai để ý đến hệ thống giáo dục tiểu học ở đất nước này. New Zealand ngày nay thu hút rất nhiều sinh viên theo học bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ…). Khi được hỏi lý do tại sao lựa chọn quốc gia này, phần lớn đều trả lời rằng New Zealand là địa điểm lý tưởng để bố mẹ có thể học được, mà con cái cũng được hưởng một trong những nền giáo dục tốt nhất ngay từ bé.
Ở New Zealand, trẻ đủ 5 tuổi sẽ bước vào lớp 1, trước đó là mẫu giáo hay nhà trẻ (kindergarten). Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ở đây là 13 cấp nên độ tuổi khi tốt nghiệp phổ thông vẫn là 18 tuổi.
Tôi rất thích cách dạy ở trường tiểu học của New Zealand. Tại mỗi lớp học, các bé được dạy kiến thức căn bản về toán, thơ văn và các môn khác, nhưng không hề dựa trên bất kỳ một khuôn mẫu nào. Mỗi lớp học có một phong cách riêng và thầy cô giáo chủ nhiệm là người tạo nên sự khác biệt giữa các lớp. Chương trình học được xây dựng trên nền tảng từng cá nhân, việc đánh giá sẽ dựa trên sự tiến bộ của mỗi cá nhân đó, mà không có sự so sánh giữa cá nhân này với cá nhân khác. Điều đó tạo cho trẻ sự tự tin và niềm vui thích khi đến trường.
Cuối năm học, tất cả học sinh trong lớp đều có giấy khen, mỗi một bạn sẽ được giáo viên khen một điểm nổi bật nào đó. Ngay cả con gái 6 tuổi của tôi, khi ấy mới học được 3 tháng và chưa biết gì nhiều, cũng được khen là có khả năng đọc. Một cô bé khác hay giúp đỡ con gái tôi trong lớp thì được khen có tinh thần tương trợ bạn bè. Tôi nghĩ, chính sự khích lệ đó tạo cho mỗi học sinh có động lực và sự hứng khởi. Bằng chứng là bây giờ sau 6 tháng, bé đã nói, hiểu rất nhiều và rất thích đến trường.
Sự tương tác và làm việc theo nhóm được các cô giáo ở đây khuyến khích ngay từ lúc bé. Trẻ thường được sắp xếp theo nhóm nhỏ khoảng từ 3-4 người và được giao làm một việc gì đó như vẽ tranh, đọc sách hay làm bài. Giáo viên luôn tạo cơ hội để học sinh được giao lưu và thể hiện với các bạn cùng lớp theo những cách rất đơn giản.
Đầu giờ học trong lớp học cũ của con gái tôi, khi điểm danh học sinh, giáo viên thường hỏi thế sáng nay con ăn gì. Lúc đó, các bé sẽ rất hào hứng chia sẻ về món ăn buổi sáng của mình. Còn tại lớp mới này, cô giáo yêu cầu học sinh chia sẻ về đồ dùng như bộ quần áo mới, món đồ chơi, một bông hoa hay chỉ đơn giản là con có gì vui không. Chính sự chia sẻ này tạo sự gắn kết giữa các trẻ, đồng thời hình thành sự dũng cảm cho mỗi trẻ. Đây là điều rất được chú trọng trong giáo dục tiểu học ở New Zealand.
Song song với việc học văn hóa trên lớp, các hoạt động giáo dục thể chất và ngoại khóa cũng rất được chú trọng. Thông thường, một tuần trẻ được tham gia từ 1-2 buổi bơi trong giờ học, mỗi buổi khoảng 15 phút. Tuy là học sinh tiểu học nhưng các bé cũng có một buổi đi thư viện và được khuyến khích mượn sách về để cùng đọc với cha mẹ. Vào những ngày nắng, buổi sáng đầu giờ sẽ là lúc học sinh được đưa ra sân trường nằm phơi nắng trong khoảng 15 phút. Thông thường, bố mẹ chuẩn bị đồ ăn cho con và các con sẽ ăn vào giờ ăn trưa trong khoảng 10-15 phút, sau đó sẽ được cô giáo cho ra sân chơi để tham gia các hoạt động nâng cao thể lực. Khi ra sân chơi, bé phải đội mũ để tránh nắng, bé nào quên mũ sẽ phải ngồi lại trong lớp. Nhờ đó, trẻ sẽ phải hình thành thói quen mang theo đồ vật của mình.
Giáo viên ở đây hầu như không bao giờ mắng học sinh. Tuy nhiên nếu bé làm sai, bé cũng sẽ có phạt. Một lần, cô bé cùng lớp với con gái tôi vẽ ra thảm ở lớp. Lúc đó, cô giáo mang vào một cái khăn, bảo bé tự lau sạch tấm thảm và yêu cầu các bạn khác không được giúp đỡ. Trong lúc đó, các bé khác vẫn tiếp tục học bài và vui chơi như bình thường. Tôi cho rằng, đây là một hình thức phạt công bằng để bé thấy rằng nếu bé làm sai, bé sẽ không có thời gian để được chơi và học những thứ bé thích.
Tôi vẫn nhớ lời một cô giáo của con gái đã nói: “Khi trẻ cảm thấy an toàn, trẻ sẽ chơi, nói, giao lưu và học. Việc của chúng tôi là cố gắng để tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Đối với một đứa trẻ, nếu ngày hôm nay so với ngày hôm qua, trẻ có sự thay đổi tích cực, thì đó chính là tiến bộ và chúng tôi coi đó là sự thành công của mình”.
Khiếu Thị Quỳnh Trang