Cuối tháng 11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận với 23 phường. Sau khi lấy ý kiến người dân, sáng 5/12, HĐND huyện đã họp và thông qua đề án tách thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
Suốt hơn một tuần sau khi nhận tin này, anh Xuân Lê, môi giới địa ốc ở khu vực Mỹ Đình nhận được nhiều cuộc gọi hỏi mua đất thổ cư. Tuy vậy, giao dịch thành công rất ít. Khách hàng vẫn chủ yếu hỏi tham khảo, nhờ tư vấn và nghe ngóng thông tin Từ Liêm tách quận.
"Chỉ những khu đất nhà ở có giấy tờ đầy đủ, thủ tục pháp lý rõ ràng, giá cả không quá đắt được khách hàng quan tâm. Người mua vẫn là khách hàng có nhu cầu thực sự", anh Lê cho hay.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, đất tại khu vực Từ Liêm hiện vẫn chưa có nhiều biến động, giao dịch vẫn dè dặt, giá bán không thay đổi. Đất thổ cư khu vực Xuân Đỉnh được chào với giá 25 triệu đồng mỗi m2, đất Đại Mỗ giá khoảng 30 triệu đồng, Mai Dịch 30-35 triệu đồng mỗi m2, Mễ Trì Thượng 40 triệu đồng. Riêng Mỹ Đình giá cao hơn, dao động 30-60 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Nhìn chung giá đất giảm tới 20-50% so với thời điểm đất sốt.
Dù tâm niệm giá đất phụ thuộc nhiều trước thông tin quy hoạch, nhưng trước thay đổi này, giới kinh doanh bất động sản hầu hết nhận định kịch bản sốt đất khó xảy ra. Nhiều bài học "nhớ đời" đã được nhà đầu tư rút ra sau những lần chạy theo quy hoạch. Khách mua nhà đất hiện chủ yếu là những người có nhu cầu thực. Trong khi với bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, lực mua của nhóm đối tượng này chưa đủ làm thị trường sôi động.
Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Sàn Bất động sản EZ Property nhìn nhận, thông tin Từ Liêm lên quận đã được giới kinh doanh bất động sản cũng như những người thạo tin biết cách đây 7 năm, việc điều chỉnh địa giới hành chính chỉ là "bình mới, rượu cũ". Tại huyện Từ Liêm, đất đai đã phân hóa rõ ràng. Khu vực "hot" nhất vẫn thuộc về Mỹ Đình, nay đã "yên bề" khi giá cả được hình thành từ năm 2010 khi Hà Nội lên cơn sốt đất.
Giữa năm đó, Mỹ Đình cũng trở thành tâm điểm khi giá mỗi m2 được hét 80-120 triệu đồng. Thậm chí những mảnh không giấy tờ như đất xen kẹt cũng chào với giá hàng trăm triệu đồng. Nhưng cũng chỉ được nửa năm, đất chững lại và Mỹ Đình cũng như toàn bộ khu phía Tây thành phố trở nên trầm lắng.
Theo ông Toàn, giá đất khu vực Mễ Đình, Mễ Trì hiện vẫn ở mức cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường ảm đạm, việc đẩy giá lên cao nữa là điều bất khả thi. "Đất có khả năng sẽ tăng nhẹ, nhưng thị trường sẽ không thể sôi động tức thì mà cần có độ trễ", ông Toàn đánh giá.
Những khu vực khác của huyện Từ Liêm, nơi một thời đình đám với đất xen kẹt, (đất vườn ao, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở) nay cũng trầm lắng. Giá cả một số lô chỉ khoảng 3-5 triệu đồng mỗi m2, giảm nhiều so với mức 10-15 triệu thời sôi động.
Sở hữu 2 mảnh đất rộng 35m2 gần đường Đỗ Đức Dục, anh Nguyễn Oanh cho biết từng có người hỏi mua với giá 12 triệu đồng mỗi mét. Nay có thông tin Từ Liêm lên quận, khách hàng lại dè dặt hơn. "Hiện nay tôi rao bán 250 triệu đồng cả mảnh đất cũng chẳng có ai mua. Nay khu đất vẫn chỉ để trồng rau", anh ngao ngán.
Ông Nguyễn Mạnh Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Tấc vàng cho hay, khu vực Từ Liêm vốn nóng sốt ở đất xen kẹt. Nay được lên quận, khả năng đất xen kẹt sẽ còn ế ẩm hơn người mua lo ngại các quy định, thủ tục pháp lý sẽ có nhiều thay đổi.
Để phục vụ việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội ngừng các dự án mới tại Từ Liêm đồng thời chỉ đạo huyện tăng cường quản lý các lĩnh vực, nhất là đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng... để không xảy ra việc cấp đất trái thẩm quyền, mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định, xây dựng trái phép. "Bởi vậy, việc chuyển nhượng, xây trái phép ở đất xen kẹt sẽ bị siết chặt", ông Huy nhận định.
Hoàng Lan