Mai An, lớp 12, trường Nguyễn Siêu, Hà Nội, nhận tin giành học bổng ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Trung Văn Hong Kong, Trung Quốc (CUHK), hôm 17/3. Trên website, CUHK ước tính các khoản học phí và sinh hoạt phí của một sinh viên quốc tế khoảng 25.000 USD (590 triệu đồng) một năm.
Theo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong, chương trình học bổng của CUHK tại Việt Nam bắt đầu năm ngoái với 5 trường chuyên, năm nay mở rộng lên 9 trường, với 30 suất. Nguyễn Siêu là trường tư thục duy nhất trong danh sách này. Mỗi trường được đề cử 5 học sinh lớp 12 có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa nổi bật, nằm trong 10% học sinh có điểm trung bình cao nhất.
"Em không nghĩ mình được học bổng", An nói, cho biết từng suýt lỡ cơ hội vì vào phỏng vấn muộn 30 phút.
Trước khi nhận tin từ CUHK, An đã nhận thư mời nhập học từ hai đại học của Nhật Bản và Hà Lan. Ban đầu An định du học Hà Lan vì anh trai đang học ở đó. Nữ sinh đánh giá các đại học Hà Lan mạnh về đào tạo kinh doanh, chi phí lại hợp lý hơn nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Tuy nhiên, khi biết đến học bổng của CUHK, tìm hiểu về thứ hạng trường và chất lượng đào tạo, An quyết định ứng tuyển.
Để nộp hồ sơ cho CUHK, An phải qua vòng tuyển chọn của trường Nguyễn Siêu và chỉ có 5 ngày chuẩn bị. Nữ sinh nhìn nhận đây là thử thách bởi nhiều ứng viên có hồ sơ "khủng" và diễn ra đúng đợt thi giữa kỳ một.
"Em có IELTS 7.5, GPA học kỳ 1 đạt 9,2 và thư giới thiệu nhưng trong năm ngày khó có thể viết được bài luận để chinh phục một trường top thế giới", An nhớ lại.
Nhờ có sẵn ý tưởng cho bài luận và được sự khích lệ từ mẹ, An dành ba ngày để viết. Hai ngày còn lại, em nhờ mẹ và giáo viên đọc bài và góp ý. Cuối cùng, An hoàn thiện hồ sơ, vượt qua vòng trường, trở thành một trong 7 ứng viên được đề cử cho CUHK.
Cuối tháng 2, An tham gia phỏng vấn với đại diện trường qua Zoom, tuy nhiên cuộc gặp suýt không được diễn ra vì muộn giờ. Buổi hẹn lúc 11h30 (giờ Hong Kong) tức 10h30 (giờ Hà Nội) nhưng 11h An mới có mặt do nhầm múi giờ.
Sau khi trình bày lý do vào muộn, An được yêu cầu ở phòng chờ hai phút để người điều phối trao đổi với đại diện khoa. "Hai phút ấy căng thẳng. Em cũng run nhưng có một suy nghĩ tích cực, rằng trường đã cho thời gian chờ chắc họ cũng đang suy nghĩ", An kể.
Được chấp nhận phỏng vấn, An lấy lại bình tĩnh. Nữ sinh cho biết cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ. Trước đó, em chuẩn bị một bộ câu hỏi chung và câu hỏi cụ thể về ngành rồi tập dượt với mẹ. Giáo viên ở trường cũng tư vấn và hướng dẫn An cách trả lời.
Theo An, sau phần giới thiệu về bản thân, trường hỏi lý do chọn CUHK và ngành. Em cũng được hỏi về điểm mạnh, điểm yếu cũng như mong muốn về công việc trong tương lai. Nói về lý do chọn ngành Quản trị kinh doanh, An kể được truyền cảm hứng từ mẹ làm công việc liên quan đến ngành này. Ngày nhỏ, An hay được mẹ đưa lên cơ quan chơi, tiếp xúc với đồng nghiệp của mẹ và được giao hỗ trợ một số công việc phù hợp. Dần dần, nữ sinh thấy yêu thích các con số, hướng ngoại, biết cách giao tiếp và xoay sở khi gặp nhiều tình huống khác nhau. An cũng cảm thấy phù hợp với kinh doanh hơn các mảng khác.
An mơ ước du học từ ngày học lớp 8, khi được mẹ cho tham gia một trại hè quốc tế. Được gặp nhiều bạn bè nước ngoài và các chuyến đi đã nuôi dưỡng mong ước bước ra thế giới của em. An và gia đình xác định sẽ du học từ những năm đầu vào cấp ba. Nhờ định hướng sớm, nữ sinh có thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch và tập trung đạt các mục tiêu học tập.
Theo An, hồ sơ du học quan trọng nhất là bài luận và thư giới thiệu. Bài luận là tài liệu giúp các trường có căn cứ đánh giá học sinh. Trong bài luận, nữ sinh viết về cửa hàng bánh cookie và bánh bao online trong thời điểm dịch bệnh. Vốn mê nấu ăn và làm bánh, An nảy ra ý tưởng giới thiệu những sản phẩm home-made của mình đến bạn bè và người quen.
Vì dịch bệnh, An gặp khách khó khăn hơn. Việc học cũng bận rộn nên nữ sinh chỉ mở hàng theo đợt, thường nhận đơn bánh trong tuần để giao hàng vào cuối tuần.
"Bánh vừa bán, tặng vừa biếu. Mỗi đợt lợi nhuận thu về cũng đủ trang trải tiền nguyên liệu. Quan trọng là mọi người phản hồi bánh ngon, không trường hợp nào bị đau bụng", An chia sẻ.
Qua việc mở cửa hàng, An hiểu thêm về kinh doanh và cách vận hành một doanh nghiệp nhỏ. Nữ sinh nói đọc lý thuyết có thể hình dung được những việc cần làm nhưng chỉ khi bắt tay vào làm thật, em mới nhận ra có nhiều vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, trong bài luận, An thể hiện khả năng lãnh đạo qua việc điều hành câu lạc bộ sự kiện của trường. Em là người lên ý tưởng, phân tích các rủi ro trước khi quyết định tổ chức một sự kiện nào đó. Qua công việc, An rèn được khả năng xử lý tình huống một cách linh hoạt.
Với thư giới thiệu, An nhờ các thầy cô giáo trong trường, những người theo sát các hoạt động của em. Là người hướng dẫn An trong các hoạt động của câu lạc bộ, thầy Calder Sett đã viết thư giới thiệu cho học trò.
"Rất ít học sinh cấp ba tôi gặp có được sự trưởng thành và tố chất lãnh đạo như Mai An. Mới 16 tuổi nhưng em đã có thể dẫn dắt 30 bạn cùng lứa trong các cuộc họp và phối hợp trong các sự kiện", thầy Calder viết.
Tháng 9 tới, An sẽ lên đường sang Hong Kong du học. An cho rằng những bạn mong muốn du học nên xác định con đường của mình sớm và suy nghĩ tích cực. Khi gặp sự cố phỏng vấn, An tìm tia hy vọng, thay vì dằn vặt việc muộn giờ.
"Trong một khoảng thời gian dài, bạn cần có ngày nghỉ để tiếp sức hoàn thành việc dang dở. Đừng bỏ cuộc, vì nếu không hoàn thành tức là bạn đã đặt dấu chấm cho cơ hội của mình", An nói.
Bình Minh