Lê Nguyễn Trà My, tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ Quản trị truyền thông chiến lược ở Đại học Monash, Australia, hồi tháng 9 với điểm trung bình học tập (GPA) 3.75/4. Hai tháng sau, cô nhận học bổng toàn phần tiến sĩ, gồm học phí, sinh hoạt phí và bảo hiểm, trị giá 4 tỷ đồng, của Đại học Deakin.
"My xuất sắc", bà Thu Nguyễn Võ, Giám đốc tuyển sinh Đại học Deakin tại Việt Nam và Campuchia, nói, cho biết muốn học lên tiến sĩ, học viên phải có thành tích tốt ở bậc thạc sĩ, tiếng Anh giỏi và luận văn có chủ đề phù hợp với định hướng của trường.
Anh Huỳnh Tấn Đạt, tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Công nghệ Sydney, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia, cũng nhìn nhận để đạt được học bổng tiến sĩ toàn phần như My thì năng lực học tập phải vượt trội.
"Từ lúc có ý định học tiến sĩ, My đã chủ động xin lời khuyên từ các anh chị đi trước và nỗ lực để đạt được mục tiêu này", anh Đạt nói.
Năm 2019, My du học ngành Truyền thông tại Đại học Monash, thuộc nhóm 8 đại học danh tiếng Australia. Trong ba năm, cựu học sinh chuyên Văn, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chỉ học kỳ đầu và kỳ cuối ở Australia, còn lại cô về Việt Nam học online vì dịch bệnh Covid-19.
Ở nhà có nhiều thời gian, lại yên tĩnh nên My học tập trung và có kết quả tốt. Cô cũng tìm hiểu và biết đến chương trình kép, học song song cử nhân và thạc sĩ từ năm thứ nhất. Để đủ điều kiện nộp chương trình này, My phải có điểm GPA loại giỏi.
"Tôi luôn cố gắng tìm ra con đường tối ưu nhất về mặt thời gian để có thể làm được nhiều thứ hơn", My cho hay.
Nhận định bản thân có thể rút ngắn thời gian học, My chọn học môn chuyên ngành trước, để lại các môn tự chọn. Năm thứ hai, My nộp hồ sơ học thạc sĩ với GPA 3.3/4 và được chấp nhận. Lúc này, thay vì chọn môn tự chọn bậc đại học, cô học luôn các môn của chương trình thạc sĩ.
Năm 2022, My trở lại Australia, nhận bằng đại học và bắt đầu chương trình thạc sĩ. Khác với môi trường cử nhân, lớp thạc sĩ gồm các học viên đã đi làm, luôn đưa ra được các tình huống thực tế khi trao đổi trong lớp. Trong khi đó, My chưa có nhiều kiến thức và trải nghiệm.
Giáo trình bậc thạc sĩ và bài tập cũng khó hơn. My học một môn trong 6 tuần và 12 môn cả khóa học. Mỗi môn có ba bài tập lớn, trong đó 2/3 là viết luận, còn lại thuyết trình. Giảng viên thường yêu cầu mỗi bài viết phải 2.000-3.000 từ. Khi giảng bài, họ cũng nói nhanh vì mặc định học viên thạc sĩ đều đã biết những kiến thức đó.
"Tốc độ học ở chương trình thạc sĩ khiến một sinh viên, lúc đó chưa tốt nghiệp cử nhân như tôi, có phần choáng ngợp", My nhớ lại, cho hay lo lắng vì tốc độ tiếp thu bài chưa nhanh, cảm giác bị thụt lùi trong lớp.
Với kinh nghiệm học "không dấu dốt", My tích cực giao tiếp, trao đổi với thầy cô và tập trung làm bài tập. Cô cũng lắng nghe cách mọi người trong lớp đặt câu hỏi, sau đó phân tích, đánh giá tình hình và dần dần cải thiện tư duy. Trước khi đến lớp, My luôn đọc hết tài liệu, xem trước bài giảng và ghi chép cẩn thận. Phần nào chưa hiểu, My đến lớp hỏi hoặc gửi email cho thầy cô.
"Tôi cố gắng liên hệ nhưng tránh hỏi lại những kiến thức họ đã giảng trên lớp", My nói.
Muốn theo đuổi con đường học thuật nên cùng thời gian này, My tìm hiểu các tiêu chí để học lên tiến sĩ. Ngoài điểm số, ứng viên cần có kinh nghiệm nghiên cứu và đề xuất nghiên cứu. Chiến thuật của My là tập trung các môn thế mạnh để đẩy được điểm số lên cao nhất, bù lại cho những môn khó giành điểm xuất sắc như phân tích dữ liệu và nghiên cứu.
My sau đó hoàn thành luận văn về quyền ẩn danh, quyền riêng tư, tự do ngôn luận và trách nhiệm giải trình, giám sát từ các nền tảng mạng xã hội và tốt nghiệp loại xuất sắc.
Nhờ thầy giáo giới thiệu, My kết nối và trao đổi với giáo sư ở Đại học Deakin, người có cùng mảng nghiên cứu với cô. Đây cũng là người có vai trò quan trọng để trường xét duyệt hồ sơ và cấp học bổng cho My.
Hướng nghiên cứu tiến sĩ của My là về hệ thống xác minh độ tuổi người dùng mạng xã hội để bảo vệ người dùng chưa đủ tuổi. Ngoài ra, My đề xuất nghiên cứu chính sách, quy định độ tuổi sử dụng mạng xã hội ở các quốc gia và ảnh hưởng của chúng với cộng đồng.
Nhìn lại hành trình đã qua, My biết ơn những trải nghiệm giúp cô có thêm sự tự tin và kỹ năng.
Trong thời gian học online ở Việt Nam, My làm cộng tác viên cho một số chương trình truyền hình, thực tập ở công ty truyền thông. Cô cũng từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020, vào đến vòng chung khảo. My có một tháng ở nhà chung, cùng tập luyện catwalk, giảm cân và tham gia các hoạt động của cuộc thi. Tuy nhiên, do lịch học và bài tập ở trường, My phải dừng lại.
"Tôi học hỏi được nhiều kỹ năng từ các chị, em, từ cách chăm sóc bản thân, vẻ bề ngoài đến cách đi đứng, nói năng, giữ tinh thần và trạng thái chỉn chu trong mọi hoạt động", My chia sẻ.
My hiện là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Australia, làm thêm một số công việc, trước khi bắt đầu chương trình tiến sĩ vào tháng 5. Cô mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội về Việt Nam giảng dạy.
Bình Minh