Những ngày này Khánh Trang, lớp 12 Chuyên Anh, trường THPT Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP HCM, vẫn đến trường như thường lệ. Nữ sinh hay ở lại muộn để tham gia những hoạt động ngoại khóa, giúp các bạn xin học bổng và tập nhảy.
Nuôi "giấc mơ Mỹ" từ năm 2018, sau khi tham gia chung kết cuộc thi World Scholar’s Cup, Khánh Trang luôn duy trì học tiếng Anh đều đặn trong nhiều năm liên tiếp. Cuối năm lớp 10 và đầu năm lớp 11, cô đạt 1530/1600 SAT, 800/800 điểm SAT 2 Toán và 8.0/9.0 IELTS.
Trang vừa giành học bổng toàn phần trị giá 6,2 tỷ đồng cho 4 năm học tại Đại học Smith College (top 15 trường Đại học khai phóng Hoa Kỳ theo US News). Trước đó, lúc nộp hồ sơ tìm suất du học, nữ sinh khá lo lắng vì không sở hữu nhiều thành tích nổi bật như các bạn khác. Nhưng nhờ bài luận về đam mê nhảy múa từ hồi nhỏ, cô đã chinh phục thành công hội đồng tuyển sinh.
Bài luận của Trang không đề cập đến những vấn đề to lớn mà xuất phát từ trải nghiệm thực tế của bản thân. "Tôi viết về những gì mình cảm thấy khi nhảy với đôi mắt cận thị, một cách tiếp cận rất cá nhân. Khó nhất là thể hiện như thế nào để hội đồng tuyển sinh thấy mình có thể không hoàn hảo nhưng có những điểm tốt và có thể khắc phục chúng", Trang chia sẻ.
Trong bài luận, Trang kể về cuộc sống khó khăn năm 6 tuổi, khi mắc chứng cận thị nặng. Không thể dùng kính áp tròng vì bị dị ứng, nên mọi sinh hoạt của cô bị hạn chế, luôn thấy mình "bị mắc kẹt" bởi cặp kính.
Nhưng dần dần, Trang chấp nhận đôi kính cận như một phần trong cuộc sống. Coi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, khi cặp kính che đi "cửa sổ" ấy, cô chứng tỏ bản thân ở thế mạnh đọc về ngôn ngữ cơ thể và nghiên cứu giao tiếp không lời. Việc đó Trang cảm nhận được khi tập luyện với nền nhạc rộn ràng, bước chân gõ theo nhịp và cặp kính trở thành bạn đồng hành với cô trên sân khấu, tham gia các giải đấu tranh biện, chương trình truyền hình...
Ở bài luận phụ, Trang đề cập đến sự cố lớn nhất gặp phải là vào đầu năm 2020. Do Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động ngoại khóa của em không thực hiện được theo kế hoạch.
Lúc đó, cô làm một giải đấu tranh biện với quy mô tương đối lớn, ngân sách hơn 100 triệu đồng, mời nhiều giám khảo quốc tế. Dịch bệnh bùng phát khi các mô hình học và tranh biện online chưa phổ biến nên cô không kịp chuyển đổi hình thức giải đấu, đành hủy sự kiện. Điều cô rút ra được là cần thương thảo với thí sinh, giám khảo để giảm thiểu thiệt hại về tài chính.
Trang chọn Smith College vì đây là trường nữ sinh hàng đầu có chương trình học rất linh hoạt. Học sinh không phải học những môn bắt buộc ở 7 lĩnh vực thường có ở một trường đại học khai phóng mà được tự do chọn môn. Đây cũng là ngôi trường mà cựu Đệ nhất phu nhân Barbara Bush, Nancy Reagan hay tác giả cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió nổi tiếng Margaret Mitchell từng theo học.
Đặc điểm của các trường nữ sinh là mối quan hệ khăng khít. Hơn nữa, vì nằm trong làng đại học với trường University of Massachusetts, Armherst College, Hamsphire College, Mount Holyoke College nên Trang có thể vừa đăng ký học vừa tham gia các câu lạc bộ của trường khác.
Tháng 8 tới, Trang sẽ bắt đầu học kỳ đầu tiên tại Mỹ. Trước mắt, Trang vẫn chăm chỉ học tập để hoàn thành hết chương trình phổ thông và tìm hiểu những cuộc thi tranh biện có thể tham gia, học lập trình và học thêm ngôn ngữ.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, cố vấn cho Khánh Trang trong quá trình làm hồ sơ du học, cho biết nữ sinh khá khiêm tốn và chăm chỉ. Lúc mới gặp Trang, chị khá bất ngờ vì cô bé nói rằng chỉ có nguyện vọng vào top 50 LAC (Liberal Arts College). Chị đã động viên Trang thử nộp hồ sơ vào các trường top cao hơn vì nữ sinh rất có khả năng và tinh thần cầu tiến. Trang đã hoàn thành các bài luận của mình 2 tháng trước hạn nộp hồ sơ, vượt ra khỏi vùng an toàn của mình và đã thành công.
Dương Trang