Trong mùa tuyển sinh đại học Mỹ năm nay, Nguyễn Hoàng Diệu Linh, lớp 12 chuyên Địa, trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội, nộp hồ sơ hơn 10 trường và giành học bổng phần lớn. Trong đó, Đại học Tulane, trường top 73 ở Mỹ theo US News, cấp học bổng cao nhất - 224.000 USD cho bốn năm (hơn 5,5 tỷ đồng). Việc này nằm ngoài mong đợi của Linh bởi hồ sơ học thuật không mạnh, trong khi tỷ lệ chấp nhận của trường khoảng 11%.
"Em không nộp SAT, IELTS chỉ đạt 6.5, bằng mức tối thiểu trường yêu cầu. Thế nhưng, em trúng tuyển và nhận được mức hỗ trợ tài chính phù hợp với mong muốn của gia đình", Linh nói.
SAT là bài thi chuẩn hóa, được khuyến khích với các ứng viên ở châu Á khi nộp hồ sơ du học Mỹ. Mức điểm từ 1400/1600 trở lên được coi là cạnh tranh.
Ngoài ra, Linh trúng tuyển một số trường khác như Massachusetts Amherst, Rhodes, Depauw, Drexel. Nữ sinh quyết định sẽ theo đuổi ngành Khoa học máy tính tại Tulane. Theo thông báo trên website của trường, tổng chi phí với sinh viên quốc tế khoảng 86.000 USD mỗi năm.
Linh đặt mục tiêu du học Mỹ từ tiểu học vì hai chị gái đều học tập ở quốc gia này. Vào lớp 10, nữ sinh đã nỗ lực học tốt trên lớp và tham gia một số dự án trong và ngoài trường. Điểm trung bình học tập của Linh trong ba năm luôn đạt 9,2-9,4.
Về hoạt động ngoại khóa, em là thành viên High School Help Kit - dự án phi lợi nhuận giúp phụ huynh và học sinh hiểu hơn về kỳ thi chuyển cấp; Friends of Vietnam Heritage - tổ chức phi chính phủ nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá di sản Việt Nam. Em cũng tham gia Science Alive - dự án dạy trẻ 9-14 tuổi học lập trình.
Ở các dự án, Linh đều có vai trò điều hành và kết nối. Em từng cùng hội học sinh tổ chức "walk tour" cho người nước ngoài, làm podcast, thiết kế.
Điểm trên lớp tốt và hoạt động ngoại khóa phong phú nhưng Linh gặp vấn đề lớn khi điểm SAT không đạt như mong muốn và IELTS dừng ở 6.5, thấp hơn kỳ vọng và chỉ bằng mức yêu cầu tối thiểu của các đại học Mỹ.
Vì thế, Linh dồn hết tâm sức vào bài luận và hồ sơ nghệ thuật (porfolio), cố gắng kết hợp các yếu tố thế mạnh của bản thân để cho thấy mình phù hợp với ngành Khoa học máy tính.
Linh chuẩn bị một bài luận chính và hơn chục bài phụ. Bắt đầu từ tháng 5, qua hơn 20 bản thảo, đến cuối tháng 9, Linh mới ưng ý với bài luận chính. Nữ sinh chia sẻ về niềm đam mê nghệ thuật và những khó khăn từng trải qua vì vóc dáng nhỏ con. Nhờ nghệ thuật, em biết trân trọng bản thân, chấp nhận những điều không hoàn hảo và tìm kiếm vẻ đẹp ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
Từ chia sẻ trên, Linh dẫn dắt người đọc bài luận đến dự án nghệ thuật về cầu Long Biên do em và bạn Nguyễn Nhật Huy, học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, thực hiện.
Linh và Huy lên ý tưởng từ đợt hè. Cả hai xây dựng mô hình cầu Long Biên trên Minecraft và một phần mềm khác để tính tỷ lệ, mô phỏng kỹ càng trước khi làm mô hình thật.
Linh cùng bạn dùng một số chất liệu như xốp, formex, thạch cao, keo resi, màu acrylic. Ngoài cây cầu là điểm nhấn, em tạo nhiều tiểu cảnh ở hai bên. Một bên tái hiện nhà ở thô sơ và một bên là phố thị hiện đại.
"Cầu Long Biên sau hơn trăm năm vẫn luôn ở đó, chứng kiến tất cả sự thay đổi mà vẫn mang trong mình bản sắc riêng của nó. Em cũng sẽ như vậy. Dù điều gì xảy đến, em vẫn là người yêu nghệ thuật. Đó là bản sắc riêng của em", Linh nói.
Từ tháng 8 đến tháng 10, cứ tan học là Linh và Huy lại vui đầu vào dự án, đến khoảng 21h. Linh còn làm video về quá trình thực hiện. Thời điểm sát thời gian nộp hồ sơ, Linh thường xuyên thức đến 1-2h sáng.
"Em muốn cho ban tuyển sinh thấy nghệ thuật được hiện thực hóa bằng các công cụ, phần mềm có thể đến với nhiều người hơn. Đó là lý do dù đam mê nghệ thuật, em vẫn muốn học ngành Khoa học máy tính", Linh nói.
Chị Hồng Vũ, Giám đốc Trung tâm tư vấn du học Hola Academy, đánh giá Linh có hai điểm mà các đại học Mỹ rất thích.
Thứ nhất, ở các hoạt động ngoại khóa mà Linh tham gia, em đều ở vị trí điều hành và kết nối. Khả năng kêu gọi và kết nối mọi người của Linh khiến các công việc em tham gia đều trơn tru và có hiệu suất cao.
"Đây cũng là một yếu tố quan trọng khi điểm bài thi chuẩn hóa không ấn tượng", chị Hồng nói.
Thứ hai, trong chọn ngành, Linh thể hiện sự hứng thú với Khoa học máy tính dù chưa có nhiều trải nghiệm. Bù lại, nữ sinh có năng khiếu nghệ thuật và óc tổ chức tốt, kết nối với mong muốn theo đuổi ngành học.
"Đại học Mỹ đề cao trải nghiệm cá nhân và đánh giá học sinh về tiềm năng phát triển trong tương lai dựa trên nhiều yếu tố. Do vậy những hồ sơ như của Linh, nếu biết cách thể hiện, cơ hội được nhận vẫn cao", chị Hồng chia sẻ.
Trúng tuyển nguyện vọng mong muốn, Linh dự định học lập trình trước khi sang Mỹ vào tháng 8 để sẵn sàng chinh phục ngành học mới mẻ với bản thân này.