Ngày thứ hai của phiên xử đặc biệt, phiên tòa của nhóm số 2 diễn ra trước, vào chiều 23/11. Nhóm số 1 diễn ra sau, vào 15h ngày 24/11, để đúc rút kinh nghiệm. Theo sự sắp xếp của phiên trước, người bị dẫn ra đầu tiên vẫn là Vương Hồng Văn. Vương không yêu cầu luật sư biện hộ, so sánh với mấy đồng bọn của ông ta, trong ấn tượng của tôi, thái độ nhận tội của Vương Hồng Văn là tốt nhất.
Khi tòa chỉ ra ông ta cùng với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên cùng âm mưu vạch ra kế hoạch, do ông ta đến Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, vu cáo với Mao Trạch Đông rằng Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình cản trở Đặng nhậm chức Phó Thủ tướng, ông ta công nhận, không né tránh. Vương Hồng Văn nói: "Tôi là người có tội, tôi xin nhận tội trước nhân dân cả nước".
Sau những ngày xét xử Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, ngày 26/11, Giang Thanh lần đầu được đưa ra xét hỏi. Cho đến cuối năm 1976, tòa tiến hành 5 phiên xét xử Giang, lần nào bà ta đều tỏ ra ngoan cố, chống đối thẩm phán và coi thường tòa án.
Thái độ ngạo mạn của Giang Thanh tại phiên tòa. Ảnh: AP |
Trong phiên xử ngày 26/11, khi được hỏi vào đêm 17/10/1974, trong cuộc họp bí mật với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Triệu Văn Nguyên, và phái Vương đến Hồ Nam gặp chủ tịch Mao Trạch Đông vu cáo Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, bà ta có vai trò như thế nào, Giang Thanh giả vờ không nghe thấy rồi lại chối cãi đến cùng, kiên quyết không nhận tội. Bà ta luôn nói "tôi không biết", "không rõ", "không nhớ" để thể hiện sự chống đối của mình. Trước sự bất hợp tác của Giang Thanh, diễn biến phiên tòa không có nhiều tiến triển.
Sau đó, tòa gọi Vương lên làm chứng. Sau đây là đoạn đối thoại của Vương với thẩm phán.
- Trước khi đến Hồ Nam gặp Mao chủ tịch vu cáo Đặng Tiểu Bình, ông âm mưu việc này với ai?
- Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên.
- Ai triệu tập?
- Giang Thanh.
- Khi bàn bạc các âm mưu, Giang Thanh nói gì?
- Giang Thanh nói "Đặng Tiểu Bình không đồng tình với cách mạng văn hóa".
- Mọi người bàn bạc ra sao rồi quyết định cử ông đi Trường Sa?
- Sau khi nghiên cứu về Đặng Tiểu Bình, Giang Thanh hỏi tôi giờ làm thế nào. Tôi đề xuất đi Trường Sa tố cáo, Giang, Trương, Diêu đều đồng ý.
- Vậy việc để ông gặp trước khi chủ tịch tiếp khách nước ngoài là ý của ai?
- Ý của Giang Thanh. Giang nói, ông nên đi sớm đi, trước khi chủ tịch gặp khách nước ngoài.
- Sao lại phải như vậy?
- Vì lo sợ Đặng Tiểu Bình đi cùng khách nước ngoài tới Trường Sa và sẽ lộ sự thật với chủ tịch.
- Vì sao các ông vu khống Đặng Tiểu Bình?
- Để cản trở việc Đặng Tiểu Bình ra làm phó thủ tướng thứ nhất của Quốc vụ viện.
- Khi ông đi Trường Sa có nhắc đến thủ tướng Chu không?
- Trước ngày 10/12 khoảng một tuần, Bộ Chính trị họp, Giang Thanh gọi tôi lại nói rằng bà ấy đã gặp thủ tướng Chu, nói về vấn đề nhân sự của đại hội, chủ yếu cho chức vụ tổng tham mưu trưởng. Thủ tướng tỏ ý không đồng tình với bà ấy, bà ấy nói với tôi rằng: "Tôi bảo lưu quan điểm của mình" và cho biết các ông Diệp (Kiếm Anh), Đặng, Lý (Tiên Niệm) thường xuyên đến gặp thủ tướng tại bệnh viện.
Trong quá trình trả lời tòa, Vương không hề nhìn Giang Thanh. Trước việc đồng bọn phản bội mình, Giang Thanh yên lặng, nhiều lúc nhìn chằm chằm Vương. Đột nhiên, bà ta kêu to: "Tôi phải đi vệ sinh", khiến việc hỏi đáp phải tạm dừng.
Khi từ nhà vệ sinh quay lại, không thấy Vương Hồng Văn trong tòa, Giang Thanh lại hét lên: "Vương Hồng Văn đâu, ông ta ở đâu?" Sau khi Vương quay lại bà ta mới lại yên lặng. Tòa hỏi Giang Thanh: "Những điều Vương nói có đúng không?" Giang trả lời: "Không đúng". Tòa đành phải ghi vào biên bản: Bị cáo phủ nhận. Sau nhiều lời làm chứng của các bị cáo còn lại và của những cán bộ làm việc bên cạnh thủ tướng Chu Ân Lai, Giang vẫn không nhận tội.
Đối mặt với sự ngoan cố của Giang Thanh, thẩm phán trưởng Tăng Hán Chu tuyên bố: "Những lời khai của nhân chứng và những chứng cứ đã đủ nói lên tội lỗi của Giang Thanh, bất chấp bị cáo công nhận hay phủ nhận, sự thật là không thể chối cãi. Giải bị cáo đi".
Đến lúc này, Giang Thanh một mực phản kháng, cố vùng ra khỏi tay của nữ cảnh sát áp tải, hét to: "Tôi còn phải phản biện về vấn đề này. Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự đều là giả dối. Sao không cho tôi đối chất với Vương Hồng Văn..." Cho đến khi bị áp giải ra khỏi tòa án, bà ta vẫn không ngừng kêu gào.
Sau khi về buồng giam, Giang Thanh vẫn không thể bình tâm trở lại, toàn thân vã mồ hôi, bác sĩ đo huyết áp lên đến 210/110.
"Luật Hình sự quy định có thể đối chất, có thể biện hộ, mà họ không cho tôi biện hộ. Vương Hồng Văn chỉ nói thật có một câu đó là đi Trường Sa là ý của anh ta. Vương Hải Dung, Đường Vấn Sinh là hai con chuột, thấy thuyền của Mao chủ tịch sắp chìm thì nhảy sang thuyền của Đặng Tiểu Bình", Giang Thanh nói trong nước mắt đầm đìa.
"Tôi biết các vị đi báo cáo với họ, bàn về việc lần sau làm sao đối phó tôi. Tôi không sợ, tôi có tinh thần '5 không sợ'. Chỉ cần tôi không đổ thì tôi sẽ còn tiếp tục đến cùng", Giang Thanh nói với các nhân viên giám hộ.
Phần tiếp: Giang Thanh chối tội đến phút cuối
Vũ Hà (theo Sina)