Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP HCM, giang mai nguy cơ lây truyền dọc cao hơn cho trẻ khi người mẹ mắc bệnh ở giai đoạn sớm.
Trong giai đoạn này, xoắn khuẩn có khả năng nhân lên nhanh chóng và nồng độ đạt được cao nhất trong máu. Giang mai vì vậy có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể thai nhi, dẫn đến các dị tật bẩm sinh như bệnh tim, mù lòa, điếc, khuyết tật trí tuệ, suy dinh dưỡng hay nhiễm trùng như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng xương.
Trẻ sau khi sinh mắc giang mai có thể chậm phát triển về thể chất và tinh thần, gặp khó khăn trong học tập do các vấn đề về thị lực, thính lực hoặc trí tuệ. Trẻ bị tổn thương não do giang mai gây bất thường về hành vi.
Nếu không được điều trị, giang mai bẩm sinh có thể khiến trẻ tử vong trong vài năm đầu đời. Do đó, bà bầu nên xét nghiệm giang mai trong thai kỳ, tránh nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ sang con qua nhau thai hoặc trong quá trình sinh nở. Phát hiện sớm bệnh nhằm điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Phát hiện giang mai trước khi mang thai thì hãy điều trị trước mới có bầu. Phát hiện bệnh trong thai kỳ cần điều trị hiệu quả nhằm ngăn ngừa lây truyền cho thai nhi.
Cho con bú bằng sữa mẹ khi đã được điều trị giang mai đúng và đủ liều. Đưa trẻ đi khám thường xuyên để theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu giang mai bẩm sinh.
Để phòng giang mai, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ tiêm chích khác với người khác. Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình để giảm nguy cơ mắc giang mai và các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục.
Mỹ Ý