Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CK1 Nguyễn Khoa Bình, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health.
Nguyên nhân
Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra do sự bất thường trong hệ thống van của các tĩnh mạch. Thay vì giúp dòng máu đi một chiều trở về tim, các van này không hoạt động hiệu quả, khiến máu chảy ngược lại và ứ đọng trong đám rối hệ tĩnh mạch tinh.
Khi tình trạng này kéo dài, các tĩnh mạch sẽ bị giãn, gây ra cảm giác đau và khó chịu, đặc biệt là khi đứng hoặc vận động mạnh, đồng thời sẽ làm suy giảm chức năng của tinh hoàn.
Triệu chứng
Hầu hết nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng rõ ràng, nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp:
- Đau hoặc khó chịu: Cảm giác đau âm ỉ ở tinh hoàn, đặc biệt sau khi vận động mạnh hoặc đứng lâu, ngồi lâu một chỗ.
- Thay đổi kích thước tinh hoàn: Tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch có thể nhỏ hơn so với bên còn lại.
- Vô sinh: Thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, nhưng được phát hiện khi nam giới gặp khó khăn trong việc có con.
Tác động của giãn tĩnh mạch thừng tinh đến khả năng sinh sản
Sự gia tăng nhiệt độ ở vùng tinh hoàn là một yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề về sinh sản ở nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tinh hoàn cần được giữ mát hơn so với nhiệt độ cơ thể để sản xuất tinh trùng một cách hiệu quả. Khi nhiệt độ tăng lên do sự ứ đọng máu, quá trình sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
Nghiên cứu của Christian Fuglesang S. Jensen (2017), đăng trên Fertility and Sterility, cho thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây ra giảm số lượng tinh trùng, tinh trùng di chuyển kém và gia tăng các bất thường về hình thái tinh trùng. Những yếu tố này làm giảm khả năng thụ tinh tự nhiên của nam giới và có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có thể gây ra sự tổn thương DNA của tinh trùng. Trong nghiên cứu trên, các tác giả nhận thấy các tổn thương DNA tinh trùng ở nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cao hơn so với người không mắc bệnh, điều này làm tăng nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ hoặc các bất thường di truyền nếu tinh trùng thụ tinh thành công.
Điều trị
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật vi phẫu (varicocelectomy) là phương pháp phổ biến nhất, trong đó các tĩnh mạch giãn được thắt lại để ngăn chặn sự chảy ngược máu và khôi phục chức năng của tinh hoàn.
Nghiên cứu của Baazeemvà cộng sự (2011), đăng trên tạp chí European Urology, cho thấy phẫu thuật vi phẫu có thể cải thiện một cách đáng kể các thông số về số lượng, chất lượng tinh trùng, giảm nồng độ các gốc oxy hóa trong tinh dịch và tỷ lệ đứt gãy DNA tinh trùng nhờ vậy tăng khả năng thụ tinh ở nam giới bị vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Ngoài ra, các liệu pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) cũng có thể được sử dụng để giúp các cặp vợ chồng có con nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ra vô sinh nghiêm trọng và phẫu thuật không mang lại kết quả như mong đợi.
Mỹ Ý