Việt, 18 tuổi, sống ở Quảng Ninh, cao hơn 1,8 m, từng nặng 135 kg nay còn 90 kg, được PGS. TS. BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa kiêm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tái khám hôm 3/12. Chàng trai vui vẻ thực hiện các yêu cầu nhỏ như kể về chế độ ăn, tập luyện, nằm xuống để khám bụng. Cơ thể gần như không còn dấu vết phẫu thuật, ngoại trừ một vài nốt sẹo nhỏ.
Bác sĩ Tuấn, 55 tuổi, nhớ hơn 6 tháng trước, Việt bị béo phì nghiêm trọng, rất khó tiếp xúc, không trả lời câu hỏi của bác sĩ, không nói chuyện với mẹ, không thực hiện bất kỳ yêu cầu khám bệnh nào. Bác sĩ chia sẻ nhiều lần, chàng trai mới cởi mở, trò chuyện về nỗi khổ "quá béo". Tuy nhiên, hễ nhắc đến phẫu thuật chữa béo phì, Việt đều từ chối với lý do sợ đau. Sau nhiều buổi trao đổi, trò chuyện cùng với sự kiên trì thuyết phục của mẹ, chàng trai mới chấp nhận điều trị, lên bàn phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, sau đó được bác sĩ trực tiếp lên kế hoạch tập luyện kết hợp dinh dưỡng.
Hiện, Việt đã giảm 31 kg sau 6 tháng điều trị, còn cần giảm 10 kg để đến mốc cân nặng lý tưởng. Mỗi ngày, chàng trai kiên trì tập thể dục một tiếng, các bài tập được bác sĩ Tuấn cùng huấn luyện viên thể chất xây dựng phù hợp nhằm khắc phục những khiếm khuyết trên cơ thể do béo phì để lại. Chế độ ăn được bác sĩ đưa ra có khối lượng thực phẩm giảm 70% so với trước đây, lựa chọn hợp lý các thành phần dinh dưỡng. Việt chủ yếu sử dụng thực phẩm giàu đạm, rau xanh, hoa quả, uống bổ sung vitamin; giảm lượng tinh bột và chất béo, chỉ còn khoảng 10% tổng năng lượng của bữa ăn. Ăn ít đi song Việt thấy thoải mái, không mệt mỏi.
"Vui nhất là không còn cảm giác đói, thèm ăn nhiều như trước nên có thể giảm được khối lượng ăn hàng ngày", Việt nói và chia sẻ thêm trước đây chỉ thích nằm và ngồi một chỗ, lúc nào cũng cảm thấy đói, thích ăn cơm, không ăn thì không thể chịu được. "Sau khi giảm cân, tôi rất thích vận động như đi bộ, đạp xe, bơi lội và giao lưu cùng bạn bè", Việt nói.
Đây là một trong hàng trăm bệnh nhân béo phì được PGS. Tuấn điều trị giảm cân thành công từ năm 2019 tới nay. Đến với ông, phần nhiều là bệnh nhân béo phì quá mức, nặng hơn 100 kg, có bệnh nhân nặng tới 180 kg.
"Không phải cứ đưa người béo phì lên bàn mổ thu nhỏ dạ dày, rồi cho họ ra viện, vậy là đã điều trị xong", PGS Tuấn nói, cho biết thêm điều trị béo phì là một quá trình kéo dài, kiên trì, bao gồm tổng hợp nhiều biện pháp. Trước hết người bệnh cần được thầy thuốc tư vấn để hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân và hậu quả cùng các phương án giải quyết, từ đó người bệnh quyết tâm tuân thủ kế hoạch điều trị cụ thể.
Béo phì là một bệnh do tình trạng tích trữ mỡ quá mức trong cơ thể. Theo phân loại của Bộ Y tế, người được xem là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 kg/m2, nếu chỉ số BMI trên 35 kg/m2 thì được coi là béo phì mức độ trầm trọng. Vấn đề lớn nhất của những bệnh nhân này gồm thân hình quá khổ gây rất nhiều khó khăn, bế tắc trong cuộc sống và thường mang trên người rất nhiều bệnh tật do béo phì gây ra.
Nhiều bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp cao, khó thở, thoái hóa khớp... khi còn rất trẻ. Hầu hết bệnh nhân dành rất nhiều thời gian, tiền bạc cùng với mọi sự nỗ lực của mình để giảm cân nhưng không thể thành công. Chế độ ăn kiêng chỉ kéo dài được vài ngày, sau đó họ không thể chống cự cảm giác đói và ăn khối lượng nhiều hơn trước khi kiêng. Họ cũng khó tập luyện thể chất do cơ thể quá nặng và đau khớp.
Nhiều người bế tắc và lo lắng, tìm đến các loại thực phẩm chức năng dù hoàn toàn không biết thành phần của thực phẩm. Một số bệnh nhân đến trung tâm thẩm mỹ để hút mỡ hoặc tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào cơ thể, dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kinh tế và cả hạnh phúc gia đình.
PGS Tuấn nhớ như in chia sẻ của một bệnh nhân nữ, rằng biết cơ thể sẽ có rất nhiều bệnh khi quá béo, song không thể chịu đựng cơn đói. Chị triền miên sống trong căng thẳng, với vòng lẩn quẩn càng cố giảm ăn thì càng đói, ăn vào thì lại tăng cân ngay; lo lắng khiến cảm giác thèm ăn tăng vọt.
Có bệnh nhân nói chỉ thấy đồ ăn khi ngủ mơ, càng béo thì càng ngại vận động, ăn xong chỉ muốn nằm. Rất nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng sau nhiều năm giảm cân bất thành. Một số bệnh nhân có tâm lý muốn buông xuôi, mặc kệ cơ thể bệnh tật, chỉ ăn cho thỏa mãn cảm xúc của mình, từ đó đánh mất tương lai và cả cuộc đời. Đây cũng là chướng ngại lớn nhất trong quá trình giảm béo.
Ông Tuấn lý giải người béo phì có ham muốn ăn uống luôn vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Đây không phải mong muốn của chính bệnh nhân. Thêm vào đó, người xung quanh không hiểu họ đang bị bệnh, rối loạn về tâm lý và quá trình chuyển hóa, nội tiết, trao đổi chất, nên không có thái độ cảm thông.
Theo PGS. Tuấn, bước tư vấn tâm lý rất quan trọng, nhằm đưa bệnh nhân ra khỏi bế tắc, tâm trạng muốn buông xuôi, tuyệt vọng, tạo động lực và niềm tin về khả năng có thể chiến thắng béo phì, tránh mọi thái độ kỳ thị với người bệnh. Thầy thuốc cần xây dựng kế hoạch điều trị và mục tiêu một cách rõ ràng. Quan trọng nhất là cung cấp những kiến thức về bệnh béo phì và các phương pháp điều trị khoa học, có đủ tài liệu nghiên cứu lớn của thế giới và bằng chứng cụ thể về các trường hợp béo phì đã điều trị thành công.
Lúc này, bác sĩ mới có thể thuyết phục được người bệnh quyết tâm điều trị. Có bệnh nhân đến bác sĩ tư vấn hàng chục lần, có những bệnh nhân tiếp cận và theo dõi các bài giảng từ bác sĩ tới 3 năm mới chấp nhận điều trị. "Quá trình điều trị này không phải chỉ một vài năm mà là suốt cuộc đời của họ", PGS. Tuấn nói.
Sau bước tư vấn tâm lý, người bệnh cần thay đổi lối sống, gồm xây dựng thói quen kiểm soát khối lượng, thành phần thức ăn và cân nặng của cơ thể. Bác sĩ khuyên việc này cần thực hiện rất sớm.
Suốt quá trình giảm cân, người bệnh phải tăng cường luyện tập thể chất, duy trì đều đặn; sử dụng thuốc giảm cân dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Phương pháp phẫu thuật giảm cân bằng thu nhỏ dạ dày hoặc các phương pháp phẫu thuật khác trên đường tiêu hóa, được xem xét khi bệnh nhân béo phì trầm trọng. Bệnh nhân béo phì trầm trọng là những người có chỉ số BMI từ 35 trở lên, béo phì độ I, độ II có kèm theo các bệnh kết hợp; hoặc khi bệnh nhân đã áp dụng tất cả giải pháp khác không thành công. Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày nhằm giảm khả năng ăn và hấp thu của người bệnh.
Theo PGS. Tuấn, thách thức lớn nhất hiện nay là quá ít bác sĩ quan tâm, hiểu biết và có khả năng điều trị béo phì. Bệnh béo phì chưa được chính thức đưa vào giảng dạy trong các trường đại học y khoa. Vì vậy, hầu hết bác sĩ không hiểu biết đúng để tư vấn cho người bệnh. Việt Nam còn rất ít các trung tâm chuyên về điều trị béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa. Việc điều trị béo phì chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đầy đủ, còn tự phát và không hệ thống.
Trong khi đó, nhu cầu điều trị của bệnh nhân béo phì rất lớn. Các khảo sát cho thấy số người béo phì cần phải điều trị tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Thống kê năm 2019 cho thấy trên cả nước hiện có tới trên 3 triệu bệnh nhân bị béo phì, trong đó Hà Nội và TP HCM có gần 663.000 người béo phì hoặc thừa cân và mắc các bệnh kèm theo, cần can thiệp y tế.
Bác sĩ Tuấn cho rằng để điều trị, việc cần làm đầu tiên là giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh hiểu biết đúng về béo phì, từ đó chọn phương pháp khoa học và phù hợp. Người béo phì cần chỗ dựa, điểm tựa tinh thần, người bạn đồng hành suốt đời, giúp họ vượt qua kỳ thị của xã hội, sự tự ti, thêm niềm tin và động lực chiến thắng béo phì. "Có thể quá trình này phải mất nhiều năm, nhưng công sức bỏ ra không vô nghĩa", PGS Tuấn nói.
Chi Lê