Chiều 13/6, Bộ trưởng Lao động Thương binh xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đặc biệt là đối với những lao động vùng nông thôn, dân tộc thiểu số... Vị tư lệnh ngành nhận được 14 chất vấn, 22 ý kiến kiến nghị của cử tri.
Tại nghị trường, đại biểu Trần Thanh Hải đặt vấn đề, số liệu cho thấy 4 tháng đầu năm, cầu lao động trong nước tăng 0,9% nhưng Bộ Lao động lại đề nghị giãn lộ trình tăng lương. Do đó, đại biểu mong muốn Bộ trưởng lý giải về đề xuất này và cho biết khi tính toán lộ trình tăng lương có tính đến cung - cầu trên thị trường lao động hay không.
Lý giải về điều này, bà Chuyền cho biết, hồi cuối năm 2012, khi Bộ xây dựng thang lương cho khu vực doanh nghiệp, theo đó mức cao nhất là trên 2 triệu đồng đã có 2 luồng ý kiến trái chiều.
"Một bên cho rằng, tăng lương vào thời điểm này là không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Còn ý kiến khác lại nói, nếu người lao động không đảm bảo mức sống sẽ không có sức để làm. Do đó, chúng tôi phải cân nhắc để tư vấn Chính phủ đưa ra mức hợp lý cho cả đôi bên", Bộ trưởng Lao động lý giải.
Bà Chuyền cũng cho hay, mức lương đơn vị này đề xuất tăng cao hơn so với quyết định Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi xem xét các điều kiện, mức tăng được đưa ra thấp hơn để dung hòa lợi ích của doanh nghiệp và lao động.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thanh Hải tiếp tục đề nghị Bộ trưởng đưa ra một thông điệp rõ ràng về lộ trình tăng lương trong năm 2014. "Đến năm sau, việc điều chỉnh lương có bị chậm như năm qua hay không?". Vấn đề này sẽ được Bộ trưởng xin phép giải đáp trong phiên chất vấn sáng ngày mai 14/6.
Vấn đề đào tạo việc làm và quản lý các trường dạy nghề cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Ngay đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu thực trạng nhiều chương trình dự án việc làm đã được triển khai, đầu tư tại các trường nghề nhưng cho đến nay nguồn lực này không phát huy được hiệu quả. Tình trạng xảy ra phổ biến là có trường, có thầy nhưng thiếu trò. Nguyên nhân chủ yếu là do tay nghề của các học viên sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, người học không muốn tham gia.
Đại biều này còn phản ánh thêm một thực trạng là hiện nay Bộ Lao động và Bộ Giáo dục cùng quản lý đào tạo nghề gây nên sự chồng chéo, lãng phí, đầu tư không đến nơi đến chốn. Từ đó, ông Tuấn đề nghị, với vai trò là người trực tiếp tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Lao động giải thích về thực trạng trên và biện pháp khắc phục.
Bà cho biết ngành đã có những chỉ đạo các trường nghề bám vào nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo. Không đào tạo theo những gì mình có mà đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Về việc quản lý các trường nghề, Bộ trưởng cho biết, hiện nay mỗi địa phương đều có trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp do ngành lao động quản lý. Còn trung tâm giáo dục thường xuyên do ngành giáo dục quản lý. Tuy nhiên, tới đây, 3 trung tâm này sẽ được sáp nhập làm một để tránh sự chồng chéo và lãng phí về đầu tư.
Một vấn đề nữa cũng dành nhiều sự quan tâm của các đại biểu đó là việc đi xuất khẩu của những lao động tại 62 huyện nghèo trên cả nước. Đại biểu Lý Kiều Vân cho biết, theo quyết định 71 của Chính phủ, chỉ tiêu xuất khẩu lao động ở những huyện này trong năm 2009-1010 là thí điểm đưa 10.000 người; 2011-2015 đưa 50.000; 2016-2020 tăng 15%.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 năm thực hiện đề án, mới chỉ có gần 10.000 lao động ở huyện nghèo xuất cảnh. Nhiều lao động đã có chứng chỉ học tiếng, phải chờ nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa xuất cảnh được.
"Trong khi đó họ phải vay hàng chục triệu đồng từ ngân hàng để làm thủ tục xuất cảnh. Không ít lao động khác ở khu vực này đã đi rồi nhưng phải về nước sớm. Họ trở thành con nợ của ngân hàng. Hơn nữa, các nhà băng cũng khó thu được nợ vì họ không có thu nhập ổn định. Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm này thuộc về ai và hướng giải quyết của bộ trưởng về vấn đề này?", đại biểu này đặt vấn đề.
Bộ trưởng Lao động thừa nhận tình trạng này xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, bà Chuyền cho biết, tác phong lao động, sức chịu đựng của nhiều lao động ở huyện nghèo chưa tốt. "Không ít doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng các lao động này không có ý thức chấp hành nguyên tắc làm việc. Khi nhận được lương họ không chịu làm nữa, đến khi hết tiền mới quay lại", Bộ trưởng cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, bà Chuyền cho biết, trong thời gian tới sẽ họp lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục đối với số lượng lao động trên.
Trước đó, trong phiên báo cáo về tình hình kinh tế xã hội ngày 30/5, nhiều đại biểu băn khoăn trước những con số thống kê trong lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp. Không ít đại biểu cho rằng, thống kê cho thấy năm qua có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể phá sản nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm đều đặn. Đồng thời, số liệu giữa ngành thống kê và lao động cũng lệch nhau.
Lý giải về con số thất nghiệp vẫn không tăng trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, Bộ trưởng Lao động cho rằng những doanh nghiệp giải thể, phá sản chủ yếu có quy mô nhỏ. Trong khi đó, nhiều đơn vị mới đi vào hoạt động lại có quy mô lớn như Samsung, thu hút số lao động gấp nhiều lần đơn vị phá sản. Do đó, bà Chuyền cho rằng việc các doanh nghiệp phá sản không tác động đến số liệu thất nghiệp.
Về những chênh lệch của số liệu việc làm mới giữa ngành thống kê và lao động, Bộ trưởng Lao động cho biết tình trạng này là do cách tính giữa 2 đơn vị khác nhau. Bà Chuyền cũng cho biết, với tư cách thành viên Chính phủ sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và trong thời gian tới sẽ đưa ra cách tính thống nhất để đánh giá chính xác hơn tình hình lao đông, việc làm.
Ngọc Tuyên