Con mèo nhỏ được dựng lên với mô hình một kiốt chuyên sửa chữa và đóng sách nghệ thuật. Cao Văn Hân - người sáng lập dự án - cho biết gian hàng là tâm nguyện của nhóm, xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng với các di sản tri thức.
Đại diện đơn vị cho biết nhu cầu phục chế sách xưa của độc giả không nhỏ. Ngoài sách, sắc phong, nhiều người từng tìm đến, nhờ các kỹ thuật viên "chữa lành" những cuốn gia phả với tuổi đời hàng trăm năm, mong giữ lại báu vật vô giá của dòng họ. Sau khi tiếp nhận, các chuyên viên sẽ tìm hiểu tình trạng tác phẩm, đưa ra phương án chăm sóc, đóng bìa phù hợp nhất để cải thiện hiện trạng
Bùi Tiến Phúc - chuyên gia phục chế sách, khách mời sự kiện - cho biết từng gặp nhiều trường hợp sách bảo quản kém đến mức khiến anh sợ hãi khi tiếp nhận. Nhiều người khi thấy sách hư chỉ dùng băng keo trong hoặc keo 502 để dán lại. Kỹ thuật viên phải mất nhiều thời gian gỡ từng miếng băng keo dán chi chít trước khi sửa. Ngoài ra, sách cổ nhiều loại có giấy mỏng hơn giấy bình thường, chỉ cần đụng vào là vỡ ra vụn nát do giấy quá giòn khi để lâu.
Theo ông Phúc, người làm công tác phục chế cần giải phẫu sách để quan sát, nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in và lối đóng. Họ sẽ ghi chép chi tiết hiện trạng của sách, đánh số trang và làm vệ sinh tùy theo tình trạng, yêu cầu với những chất liệu chuyên biệt. Kế đó, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra độ pH và thử axit cho giấy. Những cuốn đã bị axit hóa nặng, giấy giòn, dễ gãy vụn, các "bác sĩ sách" sẽ sử dụng thêm một loại thuốc để tăng độ pH của giấy lên. Một công đoạn đòi hỏi nhiều tỉ mỉ là nấu hồ và vá rách, bồi nền cho sách.
Mỗi loại sách có phương pháp tu sửa riêng biệt. Chẳng hạn, thư tịch Hán Nôm cần nhiều công đoạn khác với sách chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp (đóng kiểu Tây) ở khâu gấp trang, ép sách, xếp trang, cố định ruột sách bằng đinh giấy...
Một lần, ông Phúc nhận một cuốn gia phả của một gia đình dòng họ Lộ ở miền Trung. Khi được mang đến, cuốn sách đã cũ đến mức giấy xoắn vào nhau, không thể đọc nội dung bên trong. Vợ chồng chuyên gia này phải dùng kỹ thuật là bằng nước để làm phẳng từng trang giấy. Sau khi được phục chế, người thân trong gia đình đó xúc động vì lần đầu đọc được những lời gửi gắm của tổ tiên. "Chúng tôi nhận ra đó là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của những người làm 'bác sĩ' cứu chữa sách cổ", ông Phúc nói.
Trong sự kiện, gian hàng cũng trưng bày một số dụng cụ chuyên biệt dùng phục chế sách. Nhiều thiết bị không được sản xuất trong nước, phải nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Mỹ... Ông Lê Hoàng - giám đốc Công ty Đường sách TP HCM - cho biết gian hàng phục chế sách xưa là nét mới ở các đường, phố sách cả nước. Ông kỳ vọng Đường sách có một điểm hẹn để bạn đọc an tâm gửi gắm những tác phẩm cần được chăm sóc.
Mai Nhật