Năm 2005, nạn vi phạm bản quyền phần mềm gây thiệt hại 34 tỷ USD trên toàn cầu. Ảnh: BBC. |
Tại cuộc họp báo do Cục bản quyền tác giả và Thanh tra của Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp với BSA tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền phần mềm của BSA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng tệ nạn này có những ảnh hưởng rất xấu về mặt kinh tế như cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước, thất thu thuế và các cơ hội việc làm của địa phương. "Nhiều người thắc mắc rằng Việt Nam có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhưng giá trị thiệt hại do vi phạm thực tế lại thấp. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm ở Mỹ chỉ trên 25% nhưng mức thiệt hại lên tới hơn 7 tỷ USD mỗi năm", đại diện BSA phân tích. "Điều đó nói lên rằng ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam gần như không thể phát triển vì nạn xâm phạm bản quyền đã cản trở nó, không cho tạo ra giá trị đáng kể nào".
Ông Sawney cho biết thêm, năm 2004, BSA từng khởi kiện ra tòa án địa phương tại thành phố Chengdu ở Trung Quốc một công ty sử dụng bất hợp pháp phần mềm của hãng Adobe, thành viên trong liên minh này. Bên bị cuối cùng phải bồi thường gần 35.000 USD kèm phí tổn kiện tụng. "Những hành động pháp lý tương tự cũng sẽ được BSA tiến hành đối với những doanh nghiệp tại VN bị phát hiện xâm phạm đến lợi ích của các nhà cung cấp phần mềm trong liên minh", Sawney khẳng định.
Tuy nhiên, ông này cũng tỏ ra lạc quan về những tiến bộ của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và bảo hộ tác quyền: "Năm 1994, tỷ lệ vi phạm tại Đài Loan là 72%. Với các chương trình thiết thực nhằm bảo hộ bản quyền phần mềm, năm 2005 con số vi phạm tại lãnh thổ này đã giảm xuống chỉ còn 43%. Tôi tin rằng trong tương lai không xa Việt Nam cũng sẽ đạt được những thành công như vậy.
Mức vi phạm tại VN thực tế đã giảm được vài phần trăm so với con số 94% của năm ngoái. Dù còn rất cao, tỷ lệ này vẫn được coi là bước chuyển biến tích cực, sau những nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức và các biện pháp thanh tra xử lý. Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin, Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có việc bảo vệ bản quyền phần mềm tại các công ty kinh doanh máy tính và những doanh nghiệp sử dụng.
Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thông tin, cho biết: Để thực hiện mạnh mẽ các cam kết trong việc bảo hộ bản quyền phần mềm, các cơ quan hữu trách của Chính phủ đang xây dựng một quy định mới cho lĩnh vực này, trong đó có việc áp dụng phạt tiền với mức cao nhất là gấp 5 lần tổng giá trị bị vi phạm, tùy theo mức độ xâm phạm bản quyền".
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2006, các cơ quan Chính phủ VN đã đẩy mạnh hoạt động bảo vệ bản quyền phần mềm máy tính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và tạo môi trường lành mạnh cho đầu tư nước ngoài và hội nhập thế giới. Riêng trong tháng 10, Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin đã phối hợp với Phòng Chống tội phạm công nghệ cao, Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), phát hiện và xử lý một doanh nghiệp sử dụng và một số công ty kinh doanh máy tính có vi phạm nghiêm trọng.
Liên minh phần mềm doanh nghiệp (tên viết tắt là BSA) được thành lập vào năm 1988, có trụ sở tại Washington (Mỹ). Đây là một tổ chức mang tính toàn cầu hoạt động tại 80 nước, đại diện cho các công ty phần mềm đa quốc gia và các công ty phần mềm sở tại. Tại Việt Nam, BSA đã triển khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm bản quyền phầm mềm của đối tượng sử dụng là doanh nghiệp và đồng thời giải đáp thắc mắc về bản quyền phần mềm. |