Giờ làm thêm phải đảm bảo trần tối đa 300 giờ mỗi năm và từ 40 đến 60 giờ mỗi tháng cho tất cả ngành nghề, theo Nghị quyết 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian thực hiện từ 1/4 đến hết 31/12/2022 nhằm phục hồi kinh tế, sản xuất sau đại dịch kéo dài.
Khi làm thêm giờ, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Bộ luật lao động, như giới hạn giờ làm thêm trong ngày, thông báo cho người lao động lẫn cơ quan quản lý biết khi làm thêm trên 200 giờ mỗi năm...
Công đoàn cơ sở cần giám sát việc thực hiện thời gian làm việc, nghỉ ngơi, trả lương, theo dõi biểu hiện sức khỏe người lao động khi tăng ca; thương lượng với giới chủ trả lương cao hơn so với mức tối thiểu hoặc mức đang trả để động viên người lao động. Nếu làm thêm quá ba tiếng trong một ca thì công đoàn cần đề nghị ngoài thời gian nghỉ giữa ca, cứ sau 90 phút làm thêm phải bố trí giải lao ít nhất 10 phút, nhất là công nhân làm việc ở dây chuyền sản xuất liên tục.
Về tiền ăn ca, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở thương lượng với chủ doanh nghiệp nâng giá trị bữa ăn ca; bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi hết giờ làm thêm để phục hồi sức khỏe.
Theo Nghị quyết năm 2016 của công đoàn, giá trị bữa ăn ca thấp nhất cho người lao động là 15.000 đồng và khuyến khích doanh nghiệp chi cao hơn. Sau 6 năm, mức này không còn phù hợp khi giá cả, chi phí sinh hoạt tăng nhanh.
Theo rà soát của công đoàn, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động hoặc có nhưng thấp hơn 15.000 đồng, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cụ thể, gần 20% doanh nghiệp có công đoàn cơ sở chưa hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động; gần 30% tổng số người lao động chưa được hỗ trợ ăn ca. Khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ 78% hỗ trợ bữa ăn ca, phần lớn chi trực tiếp tiền mặt hoặc một phần chi phí bữa ăn cho người lao động.
Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn hồi tháng 3 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân là 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với cuộc sống chỉ đạt 6,3 trên thang điểm 10.
Hồng Chiêu