Luật sư tư vấn
Căn cứ khoản 1 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP, điều 1 và điều 2 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống Covid-19.
Như vậy, từ 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, hàng tháng ngoài tiền lương, người lao động còn được hưởng thêm khoản tiền từ việc người sử dụng lao động được giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ví dụ: Trước đó, hàng tháng người sử dụng lao động đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 75.000 đồng/người thì bây giờ hàng tháng người lao động sẽ được hưởng thêm 75.000 đồng/người (áp dụng từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022).
Nếu không may, trong thời gian này người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì vẫn được hưởng chế độ như bình thường (việc đóng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động), theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Ví dụ: Trên đường đi làm việc từ nhà đến công ty, không may người lao động bị tai nạn giao thông làm suy giảm 5% khả năng lao động, họ sẽ được hưởng trợ cấp một lần theo điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Cụ thể như sau:
- Hưởng năm lần mức lương cơ sở (hiện nay, năm lần mức lương cơ sở là 7,45 triệu đồng).
- Ngoài mức trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp. Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM