Ngày 24/5, Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết dự án qua địa bàn tỉnh với chiều dài 57 km, tổng đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng, ảnh hưởng 1.530 hộ dân. Trong số này, 309 hộ dân trước đây đề nghị chính quyền cấp đất, xây nhà tái định nhưng nay chỉ còn 196 hộ, số còn lại chuyển sang nhận tiền mặt. Điều này khiến chi phí dự án giảm 123 tỷ đồng.
Theo ông Bình, tỉnh đang đưa ra phương án để người dân lựa chọn, nhận suất tái định cư hoặc nhận tiền. Song song đó, ngành chức năng đã hoàn thành các công đoạn cuối cùng về kiểm kê diện tích và phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6.
Liên quan giải phóng mặt bằng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết dự án cao tốc trục ngang miền Tây đi qua địa phương dài hơn 58 km, tổng mức đầu tư 11.960 tỷ đồng. Dự án phải thu hồi hơn 330 ha, ảnh hưởng khoảng 2.000 hộ dân.
"Ban đầu chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khái toán hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng hiện còn khoảng 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng", ông Nghiệp nói và cho biết có nhiều nguyên nhân khiến chi phí giảm, trong đó gồm việc nhiều hộ nhận tiền mặt thay vì nền tái định cư. Tỉnh phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp vào giữa tháng 6 và giao diện tích còn lại vào cuối năm.
Hai địa phương còn lại mà cao tốc đi qua (cùng chiều dài khoảng 37 km) là Cần Thơ và Hậu Giang chưa công bố thống kê về giải phóng mặt bằng dự án.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, điểm đầu giao đường tránh quốc lộ 91, TP Châu Đốc, An Giang, điểm cuối kết nối quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Dự án có tổng chi phí gần 44.700 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách, chia làm 4 dự án thành phần.
Giai đoạn một, cao tốc rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h. Dự án đang được các địa phương đẩy nhanh để khởi công đồng loạt vào ngày 30/6, hoàn thành sau 3 năm. Toàn tuyến sẽ được mở rộng lên 32 m, 6 làn xe ở giai đoạn 2026-2030.
Ngọc Tài - An Minh