Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành thông tư 19 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ ngành hàng không.
Theo đó, trong 7 tháng (từ 1/3 đến hết 30/9), mức giá dịch vụ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa áp dụng bằng 50% mức giá dịch vụ tại thông tư cũ. Đây là các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp song được Nhà nước quy định mức giá.
8 dịch vụ hàng không được nhà nước quy định khung giá như thuê sân đậu, thuê quầy làm thủ tục hành khách, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay... được áp dụng mức giá tối thiểu là 0 đồng.
3 dịch vụ phi hàng không là cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; nhà ga hàng hóa; dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách cũng được áp khung giá tối thiểu là 0 đồng trong thời gian trên.
Thông tư số 53 trước đây quy định về khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không, giá tối thiểu không phải là 0 đồng nên Tổng công ty Cảng hàng không và một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải áp dụng giá tối thiểu là 0 đồng để hỗ trợ các hãng hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc giảm giá, quy định mức giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tháng 3, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã giảm giá 7 dịch vụ tại các sân bay (từ tháng 3 đến tháng 8). Cụ thể, dịch vụ dẫn tàu bay giảm một nửa; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%. Ngoài ra, ACV miễn toàn bộ phí thuê văn phòng với các hãng hàng không dừng bay, giảm 30% cho các hãng vẫn duy trì bay.
Theo ACV, do ảnh hưởng Covid-19, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2020 dự kiến giảm 40% so với năm trước, trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%. Theo đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm trước.
Vietnam Airlines dự tính doanh thu cả năm nay giảm một nửa - còn 50.000 tỷ đồng và lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II, Vietjet Air chỉ đạt doanh thu 1.970 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước do Coivd-19, âm 1.122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tổ chức dân dụng quốc tế cũng vừa đưa ra dự báo, đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019 và các hãng của Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.