Hai giám đốc viện phát biểu trong cuộc làm việc trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chiều 12/5. Đây là hai cơ sở y tế lớn nhất nước đang bị cách ly y tế. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã ghi nhận 86 ca trong bệnh viện, trong đó có 9 nhân viên y tế. Bệnh viện K ghi nhận 13 ca trong bệnh viện.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết cơ sở 2 đang cách ly với 372 nhân viên y tế, 305 bệnh nhân gồm 284 ca Covid-19 và 21 bệnh nhân khác, 41 người nhà.
"Tất cả nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không ai dương tính nCoV. Dịch bùng lên ở những nơi không ngờ như phòng khám do tiếp xúc bệnh nhân bên ngoài vào", bác sĩ Thạch nói.
Theo bác sĩ Thạch, khoảng hai tuần trước ngày 30/4 mới bắt đầu có thông tin về biến chủng B.1.617 của Ấn Độ. Ngay sau đó, biến chủng đã xuất hiện ở Việt Nam. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu, rất nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng này nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ chỉ định chẩn đoán, chụp phổi cũng không phát hiện ra.
"Thực sự, chúng tôi rất bất ngờ. Một bệnh nhân thông thường vào viện không có biểu hiện lâm sàng nên sàng lọc ban đầu không phát hiện được", bác sĩ Thạch giải thích.
Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cũng thừa nhận việc sàng lọc tại bệnh viện khó phát hiện bệnh nhân Covid-19. Chiến lược phòng chống dịch không thay đổi, vẫn sàng lọc, hỏi dịch tễ, đo nhiệt độ nhưng chỉ được phần nào do bệnh nhân không có triệu chứng. Khi vào bệnh viện mới xét nghiệm diện rộng, phát hiện ra thì đã nhiễm trong bệnh viện rồi. Nhưng nếu để từng bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm sẽ phải đợi rất lâu.
Do số lượng bệnh nhân Covid-19 quá đông, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chuyển bớt bệnh nhân mắc các bệnh lý khác sang một số bệnh viện của Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Bệnh viện K cũng đã chuyển 500 bệnh nhân và người nhà có kết quả xét nghiệm âm tính đến khu cách ly tập trung nhằm giảm tải và đảm bảo giãn cách.
Bệnh viện K đề nghị Bộ Y tế xem xét đánh giá lại, nếu xét nghiệm 2 lần âm tính có thể cho mở lại cơ sở 1, cơ sở 2 và một số khoa phòng của cơ sở Tân Triều. Bệnh viện K có ba cơ sở tại Hà Nội.
Thứ trưởng Tuyên đánh giá 2 bệnh viện vẫn đang kiểm soát tốt tình hình nhưng cần tập trung cao nhất để khoanh vùng, dập dịch nhằm sớm dỡ bỏ phong tỏa. Ông yêu cầu định kỳ ít nhất 7 ngày, các bệnh viện phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ nhân viên, bệnh nhân ở nơi có nguy cơ cao như khoa cấp cứu, trung tâm thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm... Sau đó tiếp tục sàng lọc xét nghiệm toàn bộ nhân viên bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối về điều trị, vẫn đang tiếp nhận ca Covid-19 từ các địa phương chuyển về. Vì vậy, bệnh viện phải rà soát lại ngay quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị, trong bệnh viện và lây nhiễm ra cộng đồng. Bệnh viện phải thực hiện nghiêm việc cách ly y tế nội bất xuất, ngoại bất nhập, buồng bệnh nào ở buồng bệnh đó, khoa nào ở khoa đó, hội chẩn chuyên môn thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...
Thứ trưởng cũng yêu cầu bệnh viện thường xuyên nhắc nhở cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà không tập trung đông người, thực hiện nghiêm 5K.
"Cần phải rà soát, chỉnh sửa ngay quy chế ra vào thăm bệnh nhân, phải có thời gian cụ thể, hạn chế tối đa người nhà vào thăm, đặc biệt trong tình hình dịch hiện nay. Một trong những ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh là do thuê cả một chuyến xe 16 chỗ thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sau đó đã có 6 người mắc", ông Tuyên nói.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bệnh nhân xảy ra tại địa phương nào, điều trị tại địa phương đó, không chuyển hết lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trừ ca nặng, vượt quá khả năng.