Giải trình trước HĐND Hà Nội về chất lượng nước sông Đà chiều 4/12, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sau khi báo chí thông tin cửa thu nước sông Đà đặt cạnh bãi rác Sơn Kỳ (tỉnh Hòa Bình), Sở đã đi kiểm tra. Bãi rác Sơn Kỳ (Hòa Bình) tồn tại được hơn 6 năm, nước thải ra 6-13 m3 mỗi ngày, trong khi công suất nhà máy nước Hòa Bình là 300.000 m3/ngày đêm.
Sở Xây dựng đã lấy 18 mẫu nước mang đến Trung tâm y tế dự phòng kiểm tra và đều đạt tiêu chuẩn, nên chất lượng nguồn thu nước sông Đà vào thời điểm này là an tâm. Tuy nhiên, ông Dục vẫn băn khoăn: "Dung tích nước thải hòa vào nước sông là nhỏ bé, song việc cấp nguồn nước này cho người dân vẫn rất nguy hiểm".
Không chỉ gần bãi rác, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, nguồn nước sông Đà còn bị ảnh hưởng từ nước thải một nhà máy giấy nằm đối diện bãi rác và nguồn nước thải sinh hoạt của thành phố Hòa Bình. Theo ông Lê Văn Dục, sau khi có văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Hòa Bình sẽ di chuyển bãi rác.
Đại biểu Phạm Xuân Tài cho rằng nhiều mẫu nước tại gia đình không đạt chất lượng. Ảnh: Võ Hải |
Chưa hài lòng với câu trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, nhất là khi nước sông Đà đang cung cấp cho 70.000 hộ dân thành phố, đại biểu Nguyễn Văn Phong yêu cầu Giám đốc Sở làm rõ hơn việc bãi rác tỉnh Hòa Bình có ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Đà hay không? "Nhân dân rất cần một câu khẳng định, đồng chí có khẳng định được chất lượng nước tốt không", ông Phong nêu ý kiến.
"Chúng ta khẳng định 7 mẫu gần nhất đều đạt yêu cầu", ông Lê Văn Dục trả lời.
Không bằng lòng với phần trả lời của lãnh đạo Sở Xây dựng, đại biểu Phạm Xuân Tài nhận xét, Sở Xây dựng khẳng định nước nguồn đạt chất lượng, song Bộ Y tế đã phân tích nước tại 19 nhà máy và các hộ gia đình thì kết quả nhiều mẫu nước không đạt. Vậy nguyên nhân và trách nhiệm thuộc cơ quan nào?
Theo ông Lê Văn Dục, kiểm tra tại một số trạm cục bộ như Mỹ Đình 2, Linh Đàm, Nam Đô thì kết quả nước không đạt tiêu chuẩn, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp tổng vệ sinh bể nước.
Đại biểu Chu Sơn Hà nêu vấn đề nhiều hộ dân nông thôn huyện Quốc Oai, Thạch Thất vẫn không có nước sạch do các công trình nước sạch nông thôn chưa đúng tiến độ. "Thạch Thất có nhiều dự án lớn thu hồi đất song chưa đáp ứng phúc lợi cho dân ở đó. Đến bao giờ dân Tràng Sơn được dùng nước sạch", ông Chu Sơn Hà trăn trở.
Với nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phát triển nước và vệ sinh môi trường nông thôn.
Tái chất vấn, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị cần có một đầu mối quản lý nước sạch thay vì nhiều cơ quan như hiện nay. Ngoài ra, Sở Xây dựng cần làm rõ việc báo chí nêu các công trình cấp nước của huyện Quốc Oai để phơi nắng và thống kê bao nhiêu công trình nước sạch nông thôn đang để dở dang, gây lãng phí ngân sách.
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ tịch thành phố Trần Xuân Việt cho biết, thành phố hàng năm bố trí hơn một tỷ đồng thực hiện đánh giá chất lượng nước tại các trạm tập trung. Hiện đã có 6 dự án nước sạch liên xã để cung cấp nước sạch cho 252.000 người, song chưa bố trí được vốn, mặt bằng, nên dự án bị chậm. Sắp tới thành phố sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nước.
Đoàn Loan