Mở đầu phiên chất vấn của HĐND Hà Nội sáng 4/12, đại biểu Lê Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND yêu cầu làm rõ kết quả thanh tra 312 biệt thự sau kỳ họp thứ 10 vào tháng 7 vừa qua. Ông đề nghị UBND thành phố làm rõ việc đưa số biệt thự này ra khỏi danh mục bảo tồn khi chưa được HĐND cho phép.
"Chúng ta có một đội ngũ quản lý từ quận đến phường, nhà nào cũng có hồ sơ, song lại có lý do là khó tiếp cận hồ sơ. Có nên thanh tra trách nhiệm của cơ quan quản lý, hay phải chuyển sang cơ quan điều tra", ông Nam nêu ý kiến.
Đại biểu Lê Hoài Nam yêu cầu làm rõ việc quản lý 312 biệt thự công. Ảnh: Võ Hải |
Đại biểu Nguyễn Xuân Diên cũng đề nghị làm rõ việc loại bỏ 312 biệt thự khỏi danh mục bảo tồn và kiến nghị quản lý cả không gian xung quanh biệt thự. "Thành phố có kế hoạch rà soát các biệt thự như thế nào, cần lập đoàn công tác chuyên ngành thực hiện việc này", ông Diên gợi ý.
Trả lời đại biểu, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho rằng, UBND thành phố đã rất thận trọng rà soát toàn bộ văn bản nên việc ban hành quyết định phân loại các biệt thự là phù hợp với thẩm quyền.
Với việc thanh tra biệt thự, ông Khanh cho biết, việc rà soát hồ sơ biệt thự là có khó khăn thật, có biệt thự có hồ sơ đầy đủ song có cái bị thiếu. Một tuần nữa, thành phố sẽ họp về vấn đề này, cần thiết sẽ thanh tra công vụ. Với từng biệt thự, thành phố có thể mời tư vấn, cơ quan chức năng xác định giá trị. "Vấn đề do lịch sử để lại nên việc quản lý chưa chặt chẽ", ông Khanh thừa nhận.
Phó chủ tịch thành phố cũng cam kết, sẽ tiếp tục thanh tra công tác quản lý biệt thự, xử lý cá nhân theo đúng quy định, có thể chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm.
Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh. Ảnh: Xuân Hoa |
Chưa đồng tình, đại biểu Lê Hoài Nam tái chất vấn, tại sao thành phố đưa 312 biệt thự ra khỏi diện quản lý khi chưa được HĐND cho phép và bao giờ có kết luận thanh tra. Đại biểu này cũng khẳng định, khi giám sát, HĐND đã thấy có nhiều nhà tư nhân bị chiếm dụng, cho thấy có vấn đề khiếm khuyết trong quản lý và lợi dụng chức vụ chiếm dụng tài sản công.
"Không chỉ là biệt thự, nhiều nhà của nhà nước vẫn để cho một số người sở hữu, dần trở thành nhà tư nhân. Có hay không công ty một thành viên và Sở cản trở trong công tác thanh tra. Mỗi lần họp là các đồng chí bảo giao thanh tra, song quan trọng là kết quả cuối cùng như thế nào", ông Nam bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Xuân Diên cũng tái chất vấn về hiện trạng 312 biệt thự như thế nào và cho biết có thể cung cấp thông tin tiêu cực liên quan việc quản lý biệt thự.
Trả lời đại biểu, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định không phải thành phố loại 312 biệt thự khỏi diện quản lý mà là phân loại để bảo tồn, kể cả số biệt thự này không nằm trong danh sách thì thành phố vẫn phải quản lý. Song ông Khanh khẳng định để thanh tra tổng thể 312 biệt thự thì cần thời gian.
"Công tác tham mưu có sai sót, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân, chúng tôi tiếp tục thanh tra công vụ, việc đó có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cơ quan điều tra. Chúng tôi không bao che, quan điểm là quản lý cho tốt, thành phố đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch", Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh cam kết.
Đoàn Loan