Tại hội nghị trực tuyến về triển khai giải ngân gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động sáng 12/8, ông Tuấn Anh nói: "Sau 17h30 phút hôm nay, nếu công nhân chưa nhận được tiền hỗ trợ, tôi sẽ xin từ chức" .
Cam kết diễn ra khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công khai danh sách địa phương giải ngân nhanh, chậm và chưa chi được đồng nào. Cụ thể, bốn tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La và Phú Yên đã nhận hồ sơ, duyệt hỗ trợ, nhưng chưa giải ngân. Hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có người lao động thuộc nhóm thụ hưởng và Cao Bằng báo cáo không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dao động trên dưới 2% gồm: An Giang, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Sơn La có một khu công nghiệp với 5 công ty sản xuất, thu hút khoảng 200 công nhân. Qua rà soát, toàn tỉnh có 13 lao động thuê trọ, được hỗ trợ từ gói này. Song việc giải ngân chậm trễ do doanh nghiệp chọn hình thức nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ một lần. Ngày 27/7, tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ và tới 11/8 Sở Tài chính thông báo kinh phí cho người lao động.
Hoan nghênh tinh thần nhận khuyết điểm của lãnh đạo ngành lao động Sơn La, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói sẽ theo dõi tiến độ chi trả đến 17h30 để đảm bảo đúng cam kết, đồng thời nhắc nhở một số địa phương có số lao động cần hỗ trợ lớn song chi trả chậm, đặc biệt là TP HCM.
TP HCM có xấp xỉ một triệu người đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng, chiếm hơn 30% số người thụ hưởng và số tiền toàn gói. Đến ngày 12/8, thành phố đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ (gần 26,7%), nhưng mới giải ngân cho hơn 272.000 lao động (đạt 8,13%).
Bộ trưởng Dung bày tỏ sốt ruột trước tiến độ giải ngân của TP HCM, đặc biệt khi đoàn công tác của Bộ phát hiện thành phố "đẻ" nhiều thủ tục. "Nếu đẻ thêm thủ tục xác nhận như giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng... thì làm sao triển khai nhanh được", ông Dung lo ngại.
Ông đề nghị Bảo hiểm xã hội vào cuộc và có thư gửi Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đốc thúc tiến độ giải ngân; Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM tham mưu cho thành phố có văn bản gửi doanh nghiệp rà soát, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trước ngày 15/8.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, lý giải thành phố có số doanh nghiệp và lao động rất lớn nên cần thời gian thực hiện. Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót.
Một số địa phương cho biết thời gian đầu triển khai chậm do phải tạm ứng kinh phí, tốc độ đẩy nhanh khi giữa tháng 7 Trung ương rót ngân sách về. Có nơi vì tạm ứng ngân sách quận huyện nên phải thông qua họp HĐND; thiếu nhân lực kiểm duyệt trong khi số hồ sơ lớn. Nhiều nơi, cán bộ sợ sai nên duyệt chậm, hoặc yêu cầu thêm thủ tục xác nhận khiến hồ sơ bị dồn ứ. Nhiều doanh nghiệp chọn nộp một lần cho đỡ mất công hoặc bị sai sót thông tin người lao động nên bị trả hồ sơ về để điều chỉnh.
Ba ngày nữa, gói hỗ trợ tiền thuê nhà ngưng nhận hồ sơ của người lao động, việc giải ngân sẽ hoàn thành trong tháng 8. Tỷ lệ giải ngân toàn gói sau gần 5 tháng triển khai mới đạt trên 11%. Tiền hỗ trợ mới đến tay hơn một triệu lao động trong khi số phê duyệt hồ sơ hơn 3 triệu và dự kiến tổng số thụ hưởng là 3,4 triệu người.
Trước đó cuối tháng 3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động với mức 0,5-1 triệu đồng/người/tháng, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng là người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động. Gói hỗ trợ nhằm kéo lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và không trở lại thành phố.
Hồng Chiêu