Khi chuyến bay của hãng Cathay Pacific xuất phát từ Hong Kong đến Vancouver vào giữa trưa 1/12, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu định nghỉ lại thành phố này trong 12 tiếng chờ quá cảnh trước khi tiếp tục bay đến Mexico.
Vancouver, thành phố lớn nhất tỉnh British Columbia, Canada, có vai trò đặc biệt đối với Mạnh Vãn Chu cũng như nhiều người thuộc giới "siêu giàu" Trung Quốc, bởi đây là nơi họ có thể mua nhà, cho con đi du học và thỉnh thoảng ghé thăm để nghỉ ngơi, thư giãn, theo Bloomberg.
Mạnh, 46 tuổi, giám đốc tài chính của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc có chi nhánh ở hơn 170 quốc gia, mỗi năm vẫn thường dành vài tuần trong lịch công tác dày đặc của mình để tới Vancouver. Bà hay tới thành phố duyên hải của Canada này vào mùa hè, khi những đứa con đang đi du học cũng đến đó để tận hưởng làn nước biển trong vắt và những dãy núi ngập nắng.
Bà vừa tới đây hồi tháng 8 và tản bộ, chụp ảnh cùng người thân trong một công viên địa phương. Nhưng 4 tháng sau, thiên đường nghỉ ngơi Vancouver đã trở thành chốn tù ngục với giám đốc tài chính đầy quyền lực của Huawei.
Khi bà vừa xuống máy bay, cảnh sát Canada xuất hiện, thông báo bà bị bắt theo yêu cầu từ phía nhà chức trách Mỹ bởi bà bị nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran. Bà bị tạm giam chờ ngày bị dẫn độ về Mỹ.
Hồ sơ tòa án tại phiên điều trần hôm 7/12 cho thấy lệnh bắt bà Mạnh được tòa án quận Đông New York, Mỹ ban hành từ hôm 22/8, sau khi có những dấu hiệu cho thấy bà Mạnh có liên quan tới âm mưu lừa gạt các tổ chức tài chính để thực hiện giao dịch vi phạm lệnh cấm vận của Washington với Tehran, theo NYTimes.
Một thẩm phán Canada gấp rút ký lệnh bắt đối với bà Mạnh vào ngày 30/11, sau khi nhà chức trách nước này biết rằng bà sẽ quá cảnh ở Vancouver khi bay từ Hong Kong tới Mexico một ngày sau đó. Công tố viên nước này khẳng định từ năm 2009 tới 2014, tập đoàn Huawei của bà Mạnh đã sử dụng công ty Skycom Tech ở Hong Kong để giao dịch và làm ăn với các công ty viễn thông ở Iran, vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận của Mỹ.
Sau khi Reuters xuất bản một số bài báo năm 2013 cho thấy Skycom vi phạm lệnh cấm vận bằng cách nhập các thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất vào Iran, một vài ngân hàng đã yêu cầu Huawei làm rõ cáo buộc này. Bà Mạnh khi đó đã thu xếp một buổi thuyết trình với người phụ trách của một trong những ngân hàng đó.
Trong phiên điều trần hôm 7/12, David Martin, luật sư của bà Mạnh, xác nhận ngân hàng này là HSBC, tổ chức tài chính toàn cầu có trụ sở ở London và nhiều chi nhánh ở Mỹ. Sau nhiều lần gặp rắc rối với nhà chức trách Mỹ vì các quy định chống rửa tiền, HSBC trở nên thận trọng và quyết định thuê công ty tư vấn Exiger cử chuyên gia giám sát việc tuân thủ luật pháp Mỹ.
Trong buổi thuyết trình với đại diện HSBC, bà Mạnh tuyên bố mọi hoạt động của Huawei ở Iran tuân thủ quy định về lệnh cấm vận của Mỹ. Bà giải thích rằng quan hệ giữa Huawei với Skycom chỉ là một phần của hoạt động kinh doanh bình thường và Huawei đã bán toàn bộ cổ phần từng nắm giữ tại Skycom.
Tuy nhiên, chính các giám sát viên của Exiger tại HSBC đã phát hiện những giao dịch đáng ngờ tới Iran liên quan đến Huawei và báo cáo với Bộ Tư pháp Mỹ, hai nguồn tin giấu tên cho hay. Một cuộc điều tra được Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành nhắm vào Huawei, tương tự những gì họ tiến hành với một tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc là ZTE.
Trong giai đoạn 2014-2016 và đầu năm 2017, bà Mạnh thường xuyên bay tới Mỹ, nơi cậu con trai 16 tuổi của bà đang học tại một trường trung học ở Boston, bang Massachusetts. Nhưng đến tháng 4/2017, khi Huawei nhận thấy họ đang trở thành đối tượng điều tra của Mỹ, bà Mạnh không còn nhập cảnh vào nước này một lần nào nữa.
John Gibb-Carsley, công tố viên thuộc Bộ Tư pháp Canada, tuyên bố buổi thuyết trình của bà Mạnh với đại diện ngân hàng cấu thành hành vi lừa gạt tổ chức tài chính, tội danh có thể khiến bà phải ngồi tù tới 30 năm nếu bị kết án. Nhà chức trách Mỹ và Canada cho rằng trái với tuyên bố của bà Mạnh, Huawei điều hành Skycom như một "công ty con phi chính thức" và luôn tìm cách che giấu mối liên kết này.
Bằng chứng mà họ đưa ra là nhân viên công ty Skycom vẫn sử dụng địa chỉ email có tên miền của Huawei, thẻ nhân viên và tiêu đề văn bản của họ cũng có logo Huawei. Các tài liệu của Skycom cho thấy công ty mua lại Skycom vào năm 2009 cũng chịu sự kiểm soát của Huawei ít nhất đến năm 2014. Luật sư của bà Mạnh bác bỏ cáo buộc này, cho hay bản thuyết trình của bà Mạnh là do đội ngũ pháp lý của Huawei chuẩn bị và các chứng cứ mà phía Mỹ đưa ra thiếu vững chắc.
Cuộc chiến tại ngoại
Trong lúc tòa án Canada chưa đưa ra phán quyết, cuộc chiến giành quyền tại ngoại cho bà Mạnh đang xoay quanh mối liên hệ giữa bà với thành phố Vancouver. Trong phiên điều trần hôm nay, nếu thẩm phán cho rằng bà có các mối liên hệ mật thiết ở thành phố này, giám đốc tài chính Huawei có thể không phải tiếp tục ngồi tù mà được chuyển sang hình thức quản thúc tại gia.
Công tố viên Gibb-Carsley cho rằng những kỳ nghỉ kéo dài hai tuần mỗi năm của bà Mạnh ở Vancouver không mang nhiều ý nghĩa để bà có thể được tại ngoại. Theo ông, nếu được bảo lãnh, bị cáo có khả năng lớn sẽ tận dụng các nguồn lực và mối quan hệ để bay về Trung Quốc, nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng cảnh báo phía Canada rằng bà Mạnh được cấp ít nhất 7 hộ chiếu trong 11 năm qua, trong đó có 4 hộ chiếu Trung Quốc và ba hộ chiếu Hong Kong, làm gia tăng rủi ro bỏ trốn nếu bà được tại ngoại.
Nếu không được bảo lãnh, bà Mạnh sẽ phải ngồi tù ở Vancouver trong thời gian dài, bởi quy trình dẫn độ từ Canada về Mỹ có thể mất tới vài năm. Trước nguy cơ đó, luật sư của bà đang huy động hàng loạt nhân chứng, kể cả các công ty bảo vệ, để chứng minh rằng bà sẽ không bỏ trốn về nước.
Những người như bà Mạnh từ lâu đã bị người dân Canada chỉ trích là thủ phạm gây nên cơn sốt giá nhà đất ở Vancouver, khiến giá bất động sản ở thành phố này trở nên đắt đỏ nhất khu vực Bắc Mỹ. Bà Mạnh năm 2009 mua một căn hộ 6 phòng ngủ ở Vancouver, với giá trị hiện nay vào khoảng 4,2 triệu USD. Đến năm 2006, bà mua thêm căn biệt thự thứ hai trên mảnh đất rộng gần 2.000 mét vuông có giá hơn 12,2 triệu USD. Bà Mạnh cam đoan đưa cả hai ngôi nhà ra như một phần trong thỏa thuận bảo lãnh của mình.
Dù có hai ngôi nhà ở Vancouver, bà Mạnh cùng chồng là Lưu Hiểu Tông (Xiaozong Liu) vẫn sống ở Thâm Quyến cùng cô con gái 10 tuổi. Luật sư của bà cam đoan với tòa án rằng nếu được tại ngoại, cả gia đình bà sẽ chuyển tới sống ở Vancouver và cậu con trai của bà đang học ở Mỹ sẽ tới đây đón Giáng sinh cùng mẹ.
Theo luật sư, những mối liên hệ này của bà Mạnh với Vancouver là thực chất và khẳng định bà sẽ không bỏ trốn vì "bà ấy có nhà ở đây". Ông này đề xuất tòa án áp dụng biện pháp quản thúc tại gia, trong đó bà Mạnh phải đeo một thiết bị giám sát GPS và chịu sự kiểm tra đột xuất của cảnh sát.
Lập luận này của luật sư không thuyết phục được công tố viên Gibb-Carsley. Ông cho rằng bà Mạnh là con gái của Nhậm Chính Phi, chủ tịch Huawei, người có khối tài sản lên tới 3,2 tỷ USD, nên khoản tiền bảo lãnh một triệu USD với bà chỉ như "hạt cát trong sa mạc" và bà có thể dễ dàng chấp nhận mất số tiền đó để được tự do.
"Tôi không nói rằng người giàu thì không thể nộp tiền bảo lãnh", Gibb-Carsley nói. "Nhưng tôi cho rằng xét về giá trị của số tiền bảo lãnh, chúng ta thuộc về một thế giới khác".