Trước khi lập gia đình, chị Quyên nặng 48 kg, cao 1,65 m. Năm 2019, sau khi sinh con thứ hai, cân nặng của chị vọt lên 107 kg.
Chị uống hàng chục loại thuốc giảm cân, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một hộp, không có kết quả. Tiêm tinh chất ở một thẩm mỹ viện, chị bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, chảy máu, thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi nghiêm trọng. Chị giảm được 10 kg thì sức khỏe sa sút trầm trọng phải dừng liệu trình giảm cân.
Ngày 18/6, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn kinh nguyệt, sức khỏe sa sút, BMI gần 40, béo phì mức độ 2.
BMI (Body Mass Index) - chỉ số khối cơ thể được các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bình thường hoặc suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số BMI trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì của chị Quyên là do thực hiện các phương pháp giảm cân không khoa học, theo bác sĩ Tuấn.
Nguyên tắc điều trị béo phì là giảm cung cấp (chế độ ăn, thuốc, phẫu thuật) và tăng tiêu thụ (vận động, thể dục) năng lượng. Tuy nhiên, nhiều người đang áp dụng các biện pháp giảm cân phản khoa học trong chế độ ăn và dùng thuốc. Ví dụ, nhịn ăn, chỉ uống nước và ăn rau hoặc uống thuốc, thực phẩm chức năng chưa rõ thành phần, khiến hoa mắt, chóng mặt, teo cơ, thiếu hụt vitamin, rối loạn điện giải, suy giảm chức năng nhiều cơ quan.
Nhiều người dùng các biện pháp giảm cân khác như hút mỡ bụng, cắt mỡ bụng thừa, thực hiện ở các cơ sở không có chuyên môn, gặp biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch, chảy máu, thậm chí tử vong.
Bác sĩ tư vấn bệnh nhân phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống. Đây là phương pháp giảm cân được chỉ định dành cho người béo phì, kèm các bệnh lý liên quan đến tiểu đường, rối loạn kinh nguyệt, nhằm giúp giảm khối lượng năng lượng đưa vào cơ thể.
Phương pháp phẫu thuật nội soi dạ dày thường được thực hiện đối với người có chỉ số BMI trên 30 (béo phì độ 2) kèm một số bệnh lý như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt. Sau phẫu thuật, người bệnh giảm được lượng ăn do dạ dày nhỏ lại. Tiếp theo, họ cần duy trì chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập luyện để duy trì cân nặng lý tưởng và đảm bảo sức khỏe.
Sau hơn một năm thu nhỏ dạ dày kết hợp ăn uống, tập luyện, chị Quyên giảm 35 kg, hiện còn 67 kg, hết rối loạn kinh nguyệt, sức khỏe ổn định.
Chị lập một nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ những bài học lấy lại vóc dáng, lan tỏa tinh thần giảm cân tích cực. "Tôi cảm thấy mình được sống một cuộc đời mới, được yêu thương và hạnh phúc hơn", chị nói.
Thúy Quỳnh - Nguyễn Huyền